Truyện ngắn An Giang 1975 – 2000

Những thành tựu chủ yếu

Những thành tựu chủ yếu

Gần đây, một số học sinh lớp 9 đến Hội Văn học Nghệ thuật An Giang để tìm hiểu về những nhà văn sinh ra và lớn lên ở An Giang, những tác phẩm văn học viết về An Giang. Có em còn tìm hiểu thông tin tương tự qua tổng đài 108. Hỏi ra mới biết trong chương trình giảng dạy ngữ văn ở các trường phổ thông và cao đẳng sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dành cho văn học địa phương một thời lượng nhất định.

Những thành tựu chủ yếu ảnh 1

Trong một chừng mực nào đó, nhất thời, các em học sinh không thể có được những thông tin đầy đủ về hoạt động văn học của tỉnh nhà, có chăng cũng chỉ là tiểu sử văn học tóm tắt của một vài tác giả… Không phải là nhà lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp, nhưng mới đây Thạc sĩ Nguyễn Kim Nương đã ra mắt cuốn biên khảo Truyện ngắn An Giang 1975 – 2000 - những thành tựu chủ yếu do Hội Văn học Nghệ thuật An Giang xuất bản. Có thể xem đây là một công trình nghiên cứu một mảng nhỏ trong văn học địa phương.

Với tiêu chí đối tượng nghiên cứu là những tác phẩm của những tác giả có tác phẩm đạt giải thưởng hoặc có giá trị được người đọc chú ý, Nguyễn Kim Nương đã chọn 9 tác giả trong số 39 tác giả đã có truyện ngắn in thành sách để nghiên cứu đó là: Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Đoàn Văn Đạt, Nguyễn Lập Em, Ca Giao, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Phạm Nguyên Thạch và Mai Bửu Minh.

Với 99 tài liệu tham khảo, Nguyễn Kim Nương đã vận dụng phương pháp luận khoa học và thận trọng khi tìm hiểu quá trình phát triển của mảng truyện ngắn An Giang.

Nguyễn Kim Nương đã phân tích những thành tựu chủ yếu về phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn An Giang giai đoạn 1975 – 2000, trong đó, tác giả đã chỉ ra cách thể hiện của các tác giả về không gian và thời gian qua các truyện ngắn đủ để người đọc cảm nhận được bối cảnh lịch sử mà nhân vật trong tác phẩm đang sống, nó cũng rất gần gũi như: “thôn xóm, làng quê, trong đó đủ cả thiên nhiên, xã hội, con người. Có thể nói, chưa bao giờ làng quê An Giang lại đi vào văn chương một cách tự nhiên, đầy đủ sắc thái của một vùng sông nước như thế…”. (sđd, tr.52).

Nguyễn Kim Nương đề nghị có thể đưa vào giảng dạy tại các trường học ở địa phương một số tác phẩm nhằm mục đích giúp học sinh “Tiếp xúc với các tác phẩm ấy, chắc chắn các em sẽ có điều kiện nhận thức sâu sắc hơn về con người và cuộc sống ở quê hương, để từ đó mà sống một cách có trách nhiệm với cuộc đời” (sđd, tr.92).

MAI HOÀNG

Tin cùng chuyên mục