Những thiên thần của người gác rừng - “Toy Story” ở Việt Nam

Những thiên thần của người gác rừng (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM và Phương Nam Books xuất bản) là một tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi.
Cuốn sách thiếu nhi mới về đề tài môi trường
 Cái sự dành riêng này không đơn thuần nằm trong một câu nói mà trong chính nội dung của sách. Nếu là một người đọc lớn tuổi, trưởng thành chẳng hạn đọc cuốn sách này, điều đầu tiên hẳn sẽ là sự bối rối, các nhân vật rối loạn vào nhau như con hổ kêu meo meo, vậy là con mèo rồi, nhưng nó thực ra nó lại là con hổ!? Rồi con voi biết ngáy, con thỏ điệu đàng, con cừu ngủ chảy ke… Thực ra, như chính tác giả đã giới thiệu ở đầu tác phẩm, câu chuyện này do chính con gái của chị, nhân vật “Chị Mi” kể ra, vai trò của người mẹ ở đây vừa là nhân vật, vừa là người biên tập, chính sửa, văn học hóa các lời kể. Mà một câu chuyện của một cô bé 9 tuổi thì sẽ khác hoàn toàn với một nhà văn trưởng thành.
Con hổ kêu meo meo thực tế là con hổ bông, nó kêu meo meo bởi vì với “Chị Mi” như thế mới dễ thương, rồi Bọt biển, con rùa bông, rồi voi bông, thỏ bông… Một thế giới thú nhồi bông đầy sống động. Nhưng đó không phải là tất cả, con mèo tam thể, con chó có tên là “Bò” lại là những sinh vật thật.
Ở đây, trong câu chuyện của cô bé 9 tuổi là sự kết hợp của tất cả những gì xung quanh bé, một thế giới đầy sống động. Có bạn đọc hình dung, thế giới của “Chị Mi’ trong Những thiên thần của người gác rừng giống với thế giới trong bộ phim hoạt hình Toy Story, nơi mọi nhân vật dù là đồ chơi hay động vật nuôi đều giao lưu, kết bạn với nhau.
Nhà văn Phương Huyền và con gái, nhân vật trong sách của chị
Có một chi tiết khá đặc biệt ở Những thiên thần của người gác rừng là việc giới hạn độ tuổi bạn đọc từ 8 tuổi trở lên. Thực ra không phải bạn đọc dưới 8 tuổi không đọc được mà đây chỉ là một lời nhắc nhở, nếu dưới 8 tuổi tốt nhất nên có bộ hay mẹ đọc cùng bởi trong sách có một số chi tiết ấn giấu mà nếu được giải thích, bạn đọc nhí sẽ dễ hiểu hơn. Đó có thể là sự hóm hỉnh trong việc sử dụng ngôn từ địa phương, một vùng quê miền Trung. Đó cũng có thể là câu chuyện về thời tiết khắc nghiệt của vùng đất nắng gió.
Sâu hơn nữa, đó là câu chuyện về thiên nhiên tươi đẹp đang thay đổi dưới bàn tay của con người qua hình ảnh mỏ khai thác đá gầm vang khiên cô bé luôn tự hào “biết tuốt” phải sợ hãi. Là cánh rừng mộng mơ bỗng chốc tan biến, là cá chết trong suối bởi sự ô nhiễm từ mỏ đá…
Thông điệp về bảo vệ cuộc sống tự nhiên, bảo vệ thiên nhiên không mấy xa lạ nhưng trong Những thiên thần của người gác rừng, thông điệp này lại rất gần gũi với bạn đọc nhỏ tuổi qua câu chuyện về chuyến phiêu lưu ngắn ngủi nhưng đầy kích tính.
Những thiên thần của người gác rừng không đơn thuần là những câu chuyện tươi vui của trẻ thơ mà trong đó còn có cả những câu hỏi của các em, những câu hỏi mà người lớn cũng không thể trả lời nổi.

Tin cùng chuyên mục