
“Tất cả những cựu chiến binh chúng tôi tham gia giúp đỡ các bạn trẻ tái hòa nhập cộng đồng đều là những người đã trên 60 tuổi đời, hơn 30 tuổi Đảng” - ông Hoàng Cao Đại, 36 tuổi Đảng, từng là chính trị viên của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nay Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) quận 4, cho biết.
Chỉ rời nhiệm sở...

Các học viên đang học nghề tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3. Ảnh: TR.T
“Nhìn vấn nạn ma túy từng ngày, từng giờ “cướp” đi các cháu thanh niên, chúng tôi không thể ngồi yên. Chúng tôi chỉ rời nhiệm sở, chứ không ai được phép rời trách nhiệm của một đảng viên đối với xã hội” – ông Đại bộc bạch. Không chỉ tham gia giúp đỡ người sau cai, khi có quy định đưa người nghiện vào các trường trại tập trung thì các ông đã theo dõi phát hiện ngay tại địa bàn cư trú hơn 250 trường hợp bị nghiện ma túy. Sau đó, các ông đã báo cáo với chính quyền địa phương để lập thủ tục đưa đi cai nghiện.
Khi những người nghiện trở về thì cũng chính các ông bất kể ngày đêm, dang tay đến với từng người nghiện xem như là con cháu của mình để giúp họ trở lại xã hội. Tại các tổ cán sự xã hội tình nguyện ở các phường của quận 4, đều có hội viên CCB tham gia. Trong số 22 người tham gia, có 18 người “tình nguyện” gánh vác trách nhiệm là tổ trưởng hoặc tổ phó. Không chỉ tham gia tiếp cận động viên, giáo dục người sau cai, các ông còn đứng ra bảo lãnh cho người sau cai làm việc tại các doanh nghiệp, bảo lãnh để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Và khi gõ hết các nơi chưa được, mà xét thấy đối tượng cần vốn thật sự để mưu sinh Hội CCB sẵn sàng dùng quỹ Hỗ trợ đồng đội cho vay. Đã có hai trường hợp người sau cai vay quỹ này để mua xe gắn máy đi làm. Hiện 98 học viên sau cai nghiện được Hội CCB quận 4 trực tiếp giúp đỡ, hầu đã có việc làm và không một ai tái nghiện.
Người trước dìu người sau
Ông Trương Ngọc Anh, một CCB ở phường 10, quận 4 nay đã 37 tuổi Đảng, từng là lính của Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4 tâm sự: “Ông bà ta thường nói, người đi trước dìu người đi sau, mình là người đi trước được tôi luyện qua chiến tranh thế cho nên mình không thể đứng ngoài cuộc”. Khi nghe có người sau cai về địa bàn mình cư trú, ông lập tức tìm hiểu họ đang gặp khó khăn gì để tìm cách giúp đỡ. “Mặc dù là tiếp cận để giúp họ hòa nhập nhanh với cộng đồng nhưng công việc cũng không hề đơn giản. Bởi vì, tâm lý của những người sau cai và bản thân gia đình họ thường mặc cảm và lo ngại. Trước khi đến, chúng tôi tìm hiểu kỹ họ cần gì và muốn gì, như: việc làm, vay vốn, thủ tục nhập hộ khẩu… Chúng tôi liên hệ các nguồn vốn, trực tiếp trao đổi với chính quyền địa phương để giúp họ, chứ không chỉ đơn thuần hướng dẫn chung chung” – ông Anh cho biết. Theo ông: “Không chỉ đến đó là xong, mà phải luôn nắm thông tin họ làm ăn có được không, hướng dẫn họ cách tích lũy cho bản thân. Nếu như mình dừng ở chỗ trao đồng vốn cho những người đã lầm lạc mà thiếu quan tâm thì có khi họ lại bị dụ dỗ trở về con đường cũ. Thế là mất “cả chì lẫn chài”.
Có trường hợp con của một hội viên CCB bị nghiện. Thế là mất cả tháng trời các ông phân tích thiệt hơn để gia đình đưa đi cai nghiện, rồi khi em này về, cũng chính các ông đã giới thiệu, bảo lãnh để em có việc làm ổn định.
Tất cả các CCB tham gia công tác giúp người nghiện trở về hòa nhập cộng đồng đều có chung một suy nghĩ: nếu về hưu mà an phận thủ thường thì không phải là đảng viên, nếu cứu thêm được một người nào đã từng lầm lỡ, là Đảng ta sẽ có thêm một quần chúng tốt.
Trần Toàn