“Chị Hoàng đâu rồi? Chị Hoàng có vào không? Chị Hoàng tốt lắm”. Vừa tỉnh lại sau ca mổ tim tại phòng hồi sức Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Nguyễn Thị Gấm, công nhân (CN) Công ty Giày da Huê Phong cất giọng run run hỏi. Nước mắt cô chảy dài trên má. Chị Hoàng mà Gấm nhắc tới là một cán bộ của Trung tâm Công tác xã hội LĐLĐ TPHCM.
Hồi sinh
Gấm nhắc tới chị Hoàng khi vừa tỉnh lại cũng đúng. Chị là người đã giúp Gấm đăng ký và làm các thủ tục để được mổ tim trong chương trình Trái tim nghĩa tình của LĐLĐ TPHCM. Không có mấy anh chị cán bộ trên LĐLĐ TP, quận Gò Vấp và BCH Công đoàn Công ty Huê Phong tận tình giúp đỡ, chắc Gấm phải sống với bệnh tim suốt đời. Quê tận Nghệ An, Gấm vào Sài Gòn làm CN may.
Năm 2008, trong một lần kiểm tra sức khỏe, Gấm được phát hiện mắc bệnh tim. Mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng của Gấm, cộng với thu nhập bấp bênh từ nghề thợ hồ của chồng chỉ vừa đủ cho hai vợ chồng Gấm nuôi con. Không có tiền mổ, Gấm cắn răng sống chung với bệnh. Những cơn khó thở cứ ngày một dày thêm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chồng Gấm, nhớ lại: “Cực nhất là ngày chúng em mới có con. Vợ bị bệnh tim, sức khỏe quá yếu, lại vừa sinh con nhỏ. Em đi làm hồ rày đây mai đó, bữa đực bữa cái, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đói việc, đói ăn, nhiều khi đi xa bỏ vợ con ở nhà mà không yên tâm chút nào. Trước ngày cô ấy mổ, em còn theo làm công trình tận ngoài Bắc. Bí quá, vợ chồng phải năn nỉ mẹ ở quê vào chăm cháu cho cô ấy nhập viện”.
Hiện tại, đứa con mới tròn 20 tháng tuổi của hai vợ chồng anh được gửi nhà trẻ, tối được bà nội đón về nhà chăm sóc. Anh Tuấn vào bệnh viện nuôi vợ. Nhập viện từ thứ sáu tuần trước, đến thứ năm tuần này anh mới được vào phòng hồi sức thăm vợ. Nắm bàn tay vẫn còn yếu ớt, ngắm khuôn mặt vẫn còn xanh xao của Gấm, ghé sát tai để nghe mấy câu cô hỏi thăm về thằng cu Nam, anh Tuấn biết vợ mình đã được hồi sinh. Từ đây, nỗi ám ảnh không được sống tới ngày con trưởng thành của cô sẽ chấm dứt.
Chị Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho biết: “Để giúp Gấm mổ tim, công đoàn cơ sở, doanh nghiệp và LĐLĐ quận đã cùng đóng góp kinh phí”. Được biết, tổng chi phí cho ca mổ hơn 110 triệu đồng.
Chăm lo toàn diện
Từ ngày khởi động đến nay, những người làm chương trình Trái tim nghĩa tình vẫn không sao quên được trường hợp của CN Nguyễn Lê Long, Công ty May Hữu Nghị 2, quận Tân Phú, TPHCM. Hoàn cảnh của Long rất khó khăn: Gia đình có 4 anh chị em, mẹ mất hơn 1 năm do ung thư, bố về hưu bị tai biến do rối loạn tuần hoàn não, mọi sinh hoạt phải có người hỗ trợ. Người anh cả bị tâm thần. Đứa em gái út cũng chỉ làm CN may với đồng lương vừa đủ nuôi sống bản thân. Long sống với bố và em.
Gánh nặng gia đình đè trĩu khiến Long không dám nghĩ tới việc chữa bệnh khi chi phí mổ lên tới gần 125 triệu đồng. Ngày được chương trình Trái tim nghĩa tình thông báo toàn bộ chi phí mổ sẽ do Viện Tim TPHCM tài trợ, Long như được sinh ra lần thứ hai.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng Châm, CN Công ty FAPV, KCX Tân Thuận TPHCM cũng là một ví dụ. Nhà nghèo, ba đau yếu không còn sức lao động, 3 người anh của Châm đều đã lập gia đình nhưng cuộc sống cũng khó khăn, phải làm thuê làm mướn nên dù biết em mình bị bệnh tim cũng không thể phụ giúp gì thêm. Không chỉ phải tự nuôi sống bản thân, hàng tháng chị còn phải gửi tiền hỗ trợ bố mẹ ở quê.
May thay, khi tham gia chương trình Trái tim nghĩa tình, chị được anh em CNLĐ đóng góp gần 50 triệu đồng, Công ty Thuốc lá Sài Gòn và cả Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tiến hành phẫu thuật cho Châm cũng ủng hộ mỗi nơi 20 triệu đồng. Tính luôn cả tiền BHYT đồng chi trả, cuối cùng cô CN nghèo Nguyễn Thị Hồng Châm cũng đã được phẫu thuật với tổng chi phí cho ca mổ lên tới gần 115 triệu đồng. Không những vậy, Châm còn được hỗ trợ thêm gần 11 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe sau khi mổ.
Đến nay, từ nỗ lực của các cấp công đoàn, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các bệnh viện, gần 687 triệu đồng đã được đóng góp giúp mổ tim cho 7 CN, con CN nghèo với tổng chi phí hơn 674 triệu đồng.
Theo số liệu của LĐLĐ TP, hiện có trên 200 trường hợp CN nghèo đăng ký mổ tim, trong đó có 65 trường hợp đã có chỉ định mổ. Danh sách bệnh nặng ưu tiên mổ đợt 1 năm 2012 khoảng 30 người. Chương trình vẫn đang tiếp tục và rất cần sự chung tay góp sức của những tấm lòng thơm thảo trong xã hội.
“ Chăm lo cho CN không chỉ là lo công ăn việc làm,lo bữa ăn mà sâu xa hơn còn phải chăm lo cho sức khỏe của người lao động. Có sức khỏe tốt, người lao động mới làm việc tốt và đóng góp được nhiều cho doanh nghiệp, cho xã hội” Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, |
MAI HƯƠNG