
TS Đỗ Đức Cường: Người đồng phát minh máy ATM ở Citibank
“Tôi không tin!” - nhiều người đã trả lời như vậy khi được hỏi “Bạn có tin cha đẻ ATM là người Việt Nam không?”. Ai cũng nghĩ đó có thể là người Anh, người Pháp, người Mỹ hay một người nước nào đó nhưng không ai nghĩ đó là người Việt Nam. Sự thật là trong phát minh đó, có mang tên một người Việt Nam – TS Đỗ Đức Cường.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Những năm tuổi thơ nghèo khó, các anh chị em lần lượt chết vì đói, lúc 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần và sống lại ngay kề miệng huyệt.
Khởi đầu sự nghiệp tương lai tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn đến từ Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, Đỗ Đức Cường là người có chỉ số thông minh cao nhất, được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka.
Gặp Giám đốc Ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc do ông tổ chức, ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến Citibank cùng đề nghị: “Dùng kỹ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỷ khách hàng”.
Trong thời gian ở Citibank, ông đồng phát minh ra máy ATM (máy ATM được phát minh vào năm 1978). Tháng 6-2003, TS Đỗ Đức Cường trở về Việt Nam sau 40 năm, và người đầu tiên ông tìm gặp là mẹ. Chợt thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa, ông biết rằng “Mẹ chỉ có một trên đời”. Từ bỏ mức lương cả triệu USD/năm, chấp nhận mất hết cổ phiếu chưa đáo hạn, ông rời Mỹ về nước chăm sóc mẹ. Trở về Việt Nam cùng mong muốn góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng, đưa ngân hàng đến từng người dân. Ông đã nhận lời làm tư vấn cho nhiều ngân hàng Việt Nam.
GS-TS Lê Dũng Tráng: Góp sức mang kiến thức hiện đại toán học về đất nước

Trong trang đầu luận án Tiến sĩ khoa học của chàng thanh niên Lê Dũng Tráng (ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học năm 1971, ở tuổi 24, và là một trong những tiến sĩ khoa học trẻ nhất ở Pháp bấy giờ) ghi đậm dòng chữ “Kính tặng nhân dân tôi, Tổ quốc tôi, Tổ quốc Việt Nam anh hùng”.
Năm đó, đất nước vẫn còn chiến tranh, mà Lê Dũng Tráng thì vẫn chưa một lần quay trở lại quê hương kể từ lúc ông theo gia đình sang Pháp khi lên 2 tuổi.
Tiến sĩ Lê Dũng Tráng với cái “mác” Việt kiều ấy đã về nước (1972) ngay sau khi bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khoa học.
Sự phát triển của toán học thế giới lúc đó đã bỏ rất xa so với những kiến thức toán học mà lớp trẻ như ông ở trong nước được cập nhật. Sau ông Tráng, lần lượt, đã có thêm nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới tìm đến Việt Nam, giảng bài cho sinh viên ở cả những vùng đã đi sơ tán, thông qua lời giới thiệu rằng: “Ở Việt Nam đang có một nhóm làm toán đi theo xu hướng hiện đại”.
Không chỉ giảng dạy, GS-TS Tráng cùng với anh em Việt kiều khác còn mở nhiều cuộc vận động quyên góp được khối lượng lớn sách vở, tài liệu toán học gửi về.
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành: Mỹ thuật phương Đông đến với Bắc Âu

Cách đây 17 năm, một nữ họa sĩ Việt Nam nhỏ nhắn, xinh đẹp, tài năng đã sang định cư tại một đất nước Bắc Âu yên ả, đó là Thụy Điển.
Hành trang chị mang theo sang xứ người là những kiến thức chị đã được học tại Trường Mỹ thuật Hà Nội, từ thế hệ họa sĩ tài năng của hội họa Việt Nam thuở ấy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng...
Chỉ sau 2 năm học tiếng Thụy Điển, họa sĩ Văn Dương Thành đã có thể hoàn toàn tự tin đứng trên bục giảng dạy về mỹ thuật cho các khóa đào tạo giáo viên mỹ thuật của Thụy Điển, không chỉ giảng dạy những kiến thức về mỹ thuật phương Đông mà cả những môn học tưởng chừng như là sở trường của họ như: kỹ thuật sơn dầu.
Chị trở thành nữ họa sĩ đầu tiên người châu Á giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển... Công việc giảng dạy chiếm 1/3 thời gian, thời gian còn lại chị dành cho sáng tác.
Trong hơn 1.500 bức tranh của chị, hiện có 15 bức được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 5 bức tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore, khoảng 15 bức tranh được trưng bày tại các bảo tàng và các tòa thị chính tại Thụy Điển và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Trong suốt 17 năm xa xứ, giữa một thế giới của sung túc và thành đạt, đau đáu trong chị vẫn là nỗi nhớ quê nhà không chút nào nguôi và chị đã trở thành một cánh én cần mẫn đi về giữa lòng quê mẹ.
BẢO MINH