Những từ IN HOA trong lòng người Việt

Những từ IN HOA trong lòng người Việt

Tôi còn nhớ lúc tốt nghiệp xong vác ba lô về nhận công tác tại một trường đại học, khi đang lớ ngớ trước văn phòng khoa thì có một ông giáo già ăn mặc rất chỉn chu đi từ trong ra. Ông hỏi: “Hình như thầy về nhận công tác, tôi có thể giúp gì cho thầy?”. Một câu hỏi rất lịch sự và là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe người khác gọi bằng “thầy”. Xúc động và ngẩn ngơ trong giây lát, rồi tôi cũng bình tĩnh trả lời: “Dạ em muốn gặp thầy trưởng khoa”. Tôi đi theo ông vào phòng. Nhà trường vẫn ở địa điểm sơ tán chưa về thành phố nên mọi thứ đơn giản nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ.

Thế là cuộc đời làm thầy, đứng lớp của tôi bắt đầu từ đó. Hồi hộp với tiếng “thầy” ban đầu cho đến khi mái tóc đã ngả màu phấn trắng, rồi… hưu. Mấy chục năm lăn lộn, buồn vui, trăn trở cũng qua, phải nói là trong cái vất vả thiếu thốn của thời bao cấp thì những người làm nghề dạy học lúc bấy giờ là khổ nhất. Ngồi nghĩ lại thấy không hiểu sao mình lại có thể vượt qua được những ngày tháng khó khăn đến như thế?

Một buổi sinh hoạt của Hội Cựu giáo chức của quận Gò Vấp

Một buổi sáng đẹp trời tháng bảy vừa rồi, có chuông điện thoại reo, tiếng đầu dây bên kia là một giọng âm ấm, nhẹ nhàng: “Chào thầy, chúng tôi là Hội Cựu giáo chức của quận Gò Vấp, vì đã được đọc những bài báo, bài thơ của thầy trên một số tờ báo và tạp chí, nên chúng tôi muốn mời thầy vào sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca của hội”. Là bác sĩ, nhưng nói đến thơ là thấy một cái gì đó như “trúng nghề”. Tôi đồng ý liền.

 Đúng hẹn, tôi tới hội trường phòng giáo dục quận, lúc đó đã khá đông người. Kiếm một chỗ ngồi, tôi lặng lẽ quan sát. Trừ mấy cô giáo trẻ tới hát vài bài mở màn rồi về, còn lại là các nhà giáo già. Những mái đầu phơ phơ bạc, những khuôn mặt hiền từ phúc hậu, những khóe mắt in vết chân chim, hình bụi phấn một thời trong hòa bình và khói lửa chiến tranh… Những đôi mắt ấy vẫn còn rất tinh tường và cũng toát lên điều gì đó trầm tư hoài niệm. Bởi rằng, ai cũng biết khá nhiều trong số các thầy, các cô giáo già ấy cho tới bây giờ cuộc sống của họ vẫn còn đầy những khó khăn bộn bề, nhưng họ đều giấu đi nỗi nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống đời thường. Có một điều ấn tượng là tất cả ở đây đều gọi nhau bằng một cái tên chung là THẦY, là CÔ. Tôi thực sự ấn tượng về vị Chủ nhiệm CLB Thơ ca, tên ông là Lê Đình Hòa, một thầy giáo dạy văn tuổi đã ngoại “bát tuần” mà  giọng nói vẫn cứ sang sảng, minh mẫn lạ thường. Ngoài những bài thơ hay, thầy Hòa còn là cây viết bình luận văn học sắc sảo trên một số tác phẩm và báo chí gần đây. Một con người lúc nào cũng cởi mở nhưng cũng rất kiên nghị. Một vị khác là thầy Trương Minh Châu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức quận, thì nhẹ nhàng, lời nói của ông có sức hút kỳ lạ nên mỗi lần ông nói là hội trường im phăng phắc lắng nghe. Hội có gần 600 hội viên, trong đó có nhiều nhà giáo nổi tiếng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhiều hiệu trưởng trường đại học về nghỉ hưu như thầy Lê Khắc Huy, thầy Trần Đình Từ, Lê Văn Thọ… Hội có nhiều hoạt động phong phú thiết thực, trở thành căn nhà ấm cúng, đầy ắp tình cảm chân thành của những người “chèo đò đưa khách qua sông”. 

Nghề giáo bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi, tuy còn nhiều việc phải làm nhưng cuộc sống của thầy cô cũng đã ổn hơn. Nhưng khác gì thì khác, tiếng THẦY tiếng CÔ là những từ được IN HOA trong lòng người Việt mình. Phải làm sao cho xứng với cái tên ấy!

HOÀNG THẠCH

Tin cùng chuyên mục