
Ở quận Tân Bình, nhắc đến ông Huỳnh Sơn (hiện ở 590 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) ai cũng biết, vì ông vừa giỏi việc dân lại có một bề dày thành tích đáng nể đóng góp vào quá trình phát triển của địa phương.
Trong căn nhà đầy ắp bằng khen, giấy khen, huy chương. Ông kể, quê ở Cà Mau, năm 1959 bị bắt lính, rồi bị đưa ra cảng Cam Ranh bảo vệ cảng. Tháng 2-1975, khi quân Giải phóng chiếm lĩnh mặt trận Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… ông bỏ chạy về Sài Gòn.
Ngày 30-4, khi quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, vùng Bảy Hiền đỏ rực cờ hoa, người dân đổ ra đường reo mừng chiến thắng, ông cũng hòa theo dòng người... Là lính chế độ cũ nhưng ông không e ngại, vì biết cách mạng luôn khoan hồng với những người bị bắt ép đi lính.
Học tập cải tạo 3 ngày, ông về nhà ở ngã tư Bảy Hiền sinh sống. Rồi ông được cán bộ quân quản mời tham gia đội dân quân tự vệ để bảo vệ trật tự trị an khu phố, ông nhận lời ngay. Từ đấy, ông tham gia cách mạng và làm tổ trưởng dân phố cho tới tận bây giờ. Ông bảo: “Đến với cách mạng không bao giờ sợ muộn cả, chỉ cần có tấm lòng…”.

Ông Huỳnh Sơn với những bằng khen do chính quyền các cấp tặng. Ảnh: M.N
Sau ngày giải phóng, tình hình trật tự xã hội ở vùng ngã tư Bảy Hiền rất phức tạp, trộm cắp, giật giọc, cờ bạc, xì ke, mại dâm tràn lan, UBND phường đã thành lập đội dân quân tự vệ và tổ đoàn kết nhằm trấn áp tội phạm, chuyển hóa địa bàn, xây dựng cuộc sống mới.
Ông Huỳnh Sơn được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, sau lại kiêm đội trưởng dân quân tự vệ. Hàng ngày, cứ từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng, ông cùng đồng đội đi tuần tra khắp các khu phố, ngõ hẻm. Nhiều tên xã hội đen khét tiếng bị ông truy bắt thu nhiều dao găm, mã tấu, lựu đạn… Bất chấp bị bọn xấu hăm dọa, ông vẫn kiên quyết phải bài trừ kẻ gian.
Vì đời sống yên lành của người dân, ông đã bàn bạc, hỗ trợ lực lượng công an triệt phá nhiều ổ mại dâm trá hình trên địa bàn. Suốt 24 năm làm đội trưởng dân quân tự vệ, ông không nghỉ ngày nào, tối nào cũng đi tuần. Năm 2004, ông bị đột quỵ phải vào bệnh viện, con cái ông tưởng từ nay cha mình thôi việc hiểm nguy. Thế nhưng, khi vừa bình phục ông lại lao vào công tác.
Ông bảo: “Thấy làm được việc có ích cho dân, cho chính quyền, tôi ham lắm, đến mức không hề thấy sợ nguy hiểm…”.
Làm tổ trưởng của một tổ dân phố, ông luôn tìm thấy niềm vui và tình nghĩa sâu nặng nên gắn bó suốt mấy chục năm mà chưa hề chán. Hết lòng với dân nên hễ ông đến vận động việc gì là bà con ủng hộ ngay.
Gần đây, do tuổi cao sức yếu, mấy lần họp tổ dân phố, ông xin nghỉ, không phải thiếu người thay nhưng bà con vẫn muốn ông làm và nói vui: “Ông cứ làm tổ trưởng đến chừng nào chết hẵng hay…”. Có người hỏi bí quyết nào giúp ông trụ lâu đến thế, ông cho biết: “Làm việc gì cũng phải hợp ý Đảng, lòng dân, có như thế việc gì cũng hoàn thành…”.
35 năm làm tổ trưởng dân phố chẳng lương bổng gì, nhưng lúc nào ông cũng thấy vui, thấy cuộc đời mình thật có ý nghĩa vì đã được góp một phần công sức cho sự đi lên của thành phố mang tên Bác.
Minh Ngọc