Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng
(SGGP).- Ngày 7-1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TPHCM) bước sang phần thẩm vấn. Trả lời câu hỏi của thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chủ tọa phiên tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận để chuẩn bị cho việc giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM huy động tiền, bị cáo thuê làm giả 8 con dấu đứng tên một số ngân hàng, doanh nghiệp, vay tiền của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Bị cáo sử dụng xác nhận của Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, bị cáo trong cùng vụ án) rằng nguồn tiền vay được sẽ đưa vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè; giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, Hà Tuấn Anh (Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM); làm giả tài liệu (hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, hồ sơ mở tài khoản, lệnh chi, lệnh chuyển tiền, hợp đồng tiền gửi) của hai ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để chuyển tiền vào tài khoản Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Khải do Huyền Như thành lập hoặc chuyển cho những tổ chức, cá nhân Huyền Như cần trả nợ.
“Bí quyết” vay số tiền đặc biệt lớn cũng được bị cáo Huyền Như khai nhận, là đưa ra lãi suất vay hấp dẫn và tạo dựng uy tín qua việc trả lãi đầy đủ khi đến hạn. Cụ thể, để huy động tiền của Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Huyền Như đưa ra lãi suất theo hợp đồng là 14%/năm và phí ngoài hợp đồng 16% - 18%/năm; huy động tiền của Công ty TNHH Zen Plaza, bị cáo đưa ra lãi suất trong hợp đồng 12% - 14%/năm, phí ngoài hợp đồng 0,04% - 0,062%/ngày và 4% trên tổng số tiền gửi cho 4 tháng đầu năm 2010… Chủ tọa phiên tòa hỏi Huyền Như: “Khi bắt đầu huy động vốn, bị cáo có thấy mình có khả năng trả lãi cho những khoản tiền vay?”. Như trả lời: “Vì áp lực trả nợ nên bị cáo đã làm sai. Bị cáo chỉ nghĩ dùng tiền vay với lãi suất thấp trả cho những khoản vay với lãi suất cao hơn, sau đó nếu kinh doanh có lời thì sẽ đắp vào”. Tuy nhiên, do lấy nợ sau trả cho nợ trước nên khi vụ án bị phát hiện, khởi tố thì khoản tiền bị cáo không có khả năng thanh toán lên đến 3.900 tỷ đồng.
Một điều bất ngờ được bị cáo khai tại phiên tòa là việc dù đang nợ hàng ngàn tỷ đồng nhưng Huyền Như vẫn bỏ ra hơn 1,1 triệu USD - hơn 18 tỷ đồng vào thời điểm đó để làm “thẻ xanh” (thẻ thường trú nhân) đi Mỹ. Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Có phải bị cáo biết có ngày bị vỡ nợ nên có ý định bỏ trốn ra nước ngoài?”. Huyền Như trả lời: “Bị cáo chỉ làm để dễ đi du lịch chứ không có ý định bỏ trốn sang Mỹ định cư”.
* Ngày 7-1, ngày thứ hai phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt 120 tỷ đồng xảy ra tại Agribank Tân Bình chuyển sang phần thẩm vấn nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Agribank Tân Bình bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị cáo khai nhận dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tám (nguyên giám đốc Agribank Tân Bình, đã chết) đã ký duyệt hồ sơ giải quyết cho Công ty TNHH Cát Phương Nam, Công ty TNHH Trường Phát Đạt và các cá nhân là người nhà của bị cáo Trần Huỳnh Nghĩa vay tiền không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là giả mạo; không thẩm định hồ sơ vay, phương án vay vốn, sử dụng vốn; không kiểm tra tính xác thực của tài sản thế chấp.
Trong khi đó, 2 bị cáo nguyên cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank Việt Nam khu vực miền Nam là Nguyễn Trọng Luân (54 tuổi) và Nguyễn Minh Hòa (54 tuổi) cho rằng bị oan, không phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng quy kết.
ÁI CHÂN
>> Khai mạc phiên tòa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng