“Nô lệ” của công nghệ

“Nô lệ” của công nghệ

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của công nghệ di động trong thời đại số hóa, khi mà cả thế giới đang trong kỷ nguyên của phát minh về điện thoại di động, với hàng loạt ứng dụng thông minh phục vụ đời sống. Tuy nhiên, cũng vì lạm dụng điện thoại quá nhiều trong cuộc sống, bị điện thoại tác động nên nhiều người trở nên xa lạ với đời thực, chỉ nghĩ đến thế giới ảo.



Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh, sinh viên chăm chú vào điện thoại di động đến quên không gian, thời gian. Nếu như ngày trước, vào giờ ra chơi, các bạn túm tụm lại để ôn bài, trò chuyện rôm rả thì bây giờ mỗi người có một chiếc điện thoại trên tay để chơi game, chat, xem phim, nghe nhạc… Nếu cần trao đổi, chỉ việc nhắn tin qua Zalo, Facebook, Viber, Yahoo! Messenger…

Trong bữa ăn gia đình, ngày trước cả nhà mỗi người còn quây quần chuyện trò thì bây giờ vừa ăn vừa nhìn vào chiếc điện thoại, như thể nếu buông nó ra thì bữa ăn sẽ mất ngon hoặc điện thoại lạc mất. Ngồi chung một bàn ăn mà chẳng ai nói với ai câu nào, cứ như người xa lạ ngồi chung một bàn trong quán ăn bên đường.

Chẳng những thế, người ta còn không thể buông chiếc điện thoại khi đi dự sự kiện hoặc chấm thi, thậm chí còn khư khư cầm trên tay vẫy chào công chúng. Thử lướt qua vài chương trình trong thế giới showbiz, nhiều nghệ sĩ cứ vô tư cầm điện thoại di động trên tay (toàn hàng đắt tiền), không hiểu sợ để tay không sẽ lóng ngóng hay đang khoe của? Ngay ở một số chương trình truyền hình trực tiếp, khán giả thấy có giám khảo liên tục sử dụng điện thoại, không mấy chú tâm đến màn trình diễn của thí sinh. Trong một tập phát sóng, khi một nữ ca sĩ đang nhận xét thí sinh thì điện thoại rung và chị phải dừng lại để tắt tín hiệu của chiếc smartphone trên bàn. Điều này tối kỵ ở giới nghệ sĩ phương Tây. Hãy nhìn các sự kiện mà những ngôi sao quốc tế bước lên thảm đỏ Oscar, Cannes, Venice… sẽ thấy rõ sự đối lập, dù họ đẳng cấp gấp nhiều lần sao Việt nhưng chẳng ai cầm lấy chiếc điện thoại để tạo dáng. Hay giám khảo các cuộc thi quốc tế, luôn lắng nghe thí sinh trổ tài năng khiếu để cho điểm chính xác, chứ không ai mang theo điện thoại di động trong lúc chấm thi.

Biết rằng việc sử dụng điện thoại là quyền riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng mong rằng, tất cả chúng ta hãy bớt “nô lệ” vào công nghệ, dành chút ít thời gian cho bạn bè, người thân và đặc biệt là gia đình ở thế giới thực, chứ không phải trong thế giới ảo xa lạ.

ĐẶNG TRUNG CÔNG

Tin cùng chuyên mục