Nỗ lực cứu vãn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa trước khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 17-7. Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) đã cảnh báo về những tác động thảm khốc đối với tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới nếu không gia hạn được thỏa thuận.
Tàu chở ngũ cốc theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen neo đậu tại Thổ Nhĩ Kỳ
Tàu chở ngũ cốc theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen neo đậu tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thiệt hại lớn

Bất chấp nỗ lực của các bên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, các nghĩa vụ gỡ bỏ trở ngại đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga theo sáng kiến chưa được thực hiện, mục tiêu chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu cũng không hoàn thành. Ông Putin để ngỏ khả năng tham gia trở lại nếu các cam kết với Nga được thực hiện.

Trong khi đó, nhằm nỗ lực cứu vãn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã đưa ra một nhượng bộ để giải quyết khiếu nại của Nga liên quan các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang cản trở xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này. Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp về tình hình ở Ukraine trong ngày 17-7 với sự tham dự của các nhà ngoại giao hàng đầu của một số quốc gia.

Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm điều phối chung ở Istanbul, khoảng 33 triệu tấn nông sản đã được xuất khẩu trong quá trình thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp chỉ nhận được 10% lượng bắp và 40% lượng lúa mì được vận chuyển trong thỏa thuận ngũ cốc. Bộ Nông nghiệp và Hải quan Ukraine ước tính trong trường hợp thỏa thuận bị đổ vỡ, Kiev sẽ thiệt hại tới 500 triệu USD/tháng.

Kế hoạch B

Từ tháng 7-2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18-5 và kéo dài trong 2 tháng.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Istanbul vào đầu tháng 7 đã làm dấy lên suy đoán rằng, nếu Nga từ chối cho phép các tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua Biển Đen an toàn, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể hộ tống các tàu chở ngũ cốc. Tuy nhiên, trong một tuyên bố với tờ Politico, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bondar đã bác bỏ điều này.

Giới quan sát cho rằng, Ukraine có kế hoạch khác để bảo vệ các tàu di chuyển qua Biển Đen. Nước này đang thành lập một quỹ bảo lãnh trị giá 500 triệu USD để trang trải mọi thiệt hại hoặc chi phí phát sinh. Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết, quỹ này sẽ hoạt động giống như một khoản bảo hiểm nhà nước. Phía Ukraine đề nghị Ủy ban châu Âu trả quỹ đó và Ukraine sẽ hoàn trả chi phí. Ukraine cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế Biển Đen. Cảng biển gần Ukraine nhất Constanta ở nước láng giềng Romania, trở thành một địa điểm thay thế tiềm năng.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cầu Crimea tối 16-7 khiến 2 người thiệt mạng có sự tham gia của Anh và Mỹ. Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga (NAK) cho biết, Ukraine thực hiện vụ tấn công khủng bố bằng phương tiện không người lái. Nga đã mở cuộc điều tra hình sự vụ việc này.

Tin cùng chuyên mục