Nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành

Ngày 20-10, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ bàn giao cho đại diện lãnh đạo Bộ GTVT 2.600ha đất (vượt kế hoạch - giai đoạn 1 là 1.810ha) của dự án (DA) Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), xua đi nỗi lo chậm tiến độ mà nhiều người dự báo khó hoàn thành trong năm nay. 

Thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, không chỉ đảm bảo một số hạng mục của DA sẽ được khởi công quý I-2021, trước ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mà còn là dịp để địa phương và các bộ ngành rút ra bài học cho việc triển khai các DA hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia khác.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành ảnh 1  Trên công trình thi công Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: HOÀNG BẮC
Vượt cả mong đợi

Có theo sát quá trình triển khai DA bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) do UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì mới cảm nhận được niềm vui của người trong cuộc và người dân địa phương. Thời gian đầu, khi bắt tay vào kiểm đếm, các tổ công tác gặp nhiều khó khăn, có ngày dự kiến làm 10 hộ nhưng chỉ được 1-2 hộ vì nhiều lý do như diện tích sử dụng của thửa đất không khớp hồ sơ, không gặp được chủ đất, thửa đất được cho tặng bằng giấy tay chưa cập nhật ở xã, mộ chí không gặp được thân nhân… Gặp nhiều phát sinh, lực lượng kiểm đếm phải làm thận trọng. Với trách nhiệm trước Chính phủ và người dân địa phương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành đã tập trung gỡ rối; tăng cường nhân lực từ các sở chuyên ngành và các huyện lân cận để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng hẹn.

Trong số 1.810ha cần GPMB của giai đoạn 1, khó khăn nhất vẫn là 630ha đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Đến ngày 23-10, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt, tổ chức 9 đợt công khai phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ cho 1.032 hộ, thực hiện 7 đợt chi trả cho 762 hộ dân có đất bị thu hồi với tổng số tiền hơn 1.707 tỷ đồng. Theo kế hoạch, địa phương sẽ hoàn tất bồi thường, hỗ trợ đợt 8, đợt 9 cho người dân trong tháng 11. Về bố trí tái định cư, dự ước nhu cầu có khoảng 700 hộ thì đến nay, hội đồng bồi thường DA đã tổ chức xét, duyệt tái định cư được 118 hộ. Trong tháng 10, UBND huyện sẽ tổ chức bốc thăm tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân, 582 hộ còn lại sẽ được xét duyệt, bố trí trong tháng 11.

Kinh nghiệm cho các DA trọng điểm

Nói về những khó khăn khi triển khai DA, ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: DA sân bay Long Thành được Quốc hội phê duyệt khá lâu, từ những năm 2005, việc liên quan đến chuyển nhượng, mua bán, xây dựng nhà cửa trong vùng DA, địa phương đã cho ngưng, nhưng thực tế xác minh thì khác. Trong quá trình sử dụng, người dân có nhu cầu tách hộ, cho tặng, sang nhượng bằng giấy tay, ủy quyền cho người ngoài địa phương nên việc tìm chủ đất khó khăn hơn; thêm vào đó là diện tích sử dụng không cập nhật, chỉnh lý kịp và qua đo đạc thực tế sai rất nhiều (diện tích tăng hoặc giảm, hình thể khác trước), có khi không xác định được ranh nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ. Đến nay, trong tổng số 5.000ha của DA, diện tích chưa kiểm đếm còn khoảng 75ha (gồm 25ha đang tranh chấp và 50ha mua bán giấy tay), UBND huyện đang tập trung xử lý. Ngoài ra, còn khoảng 50 hộ đã có phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa đến nhận tiền do còn đang kẹt ở nước ngoài vì dịch Covid-19 hoặc chưa bổ túc xong giấy tờ cần thiết.

Khi được hỏi “Địa phương rút ra kinh nghiệm gì trong việc GPMB một siêu DA như sân bay Long Thành?”, ông Lê Văn Tiếp chia sẻ: Đầu tiên là tuyên truyền, phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị. Ở DA này, có Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến xã, phân công phân nhiệm rõ ràng. Thứ hai là chính sách hỗ trợ, các DA khác trên địa bàn Đồng Nai thì phần hỗ trợ sản xuất, đời sống chỉ 1,5 lần nhưng ở DA sân bay Long Thành mức hỗ trợ là 2 lần. Thứ ba là việc bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống người dân được tỉnh chuẩn bị kỹ, hạ tầng hoàn chỉnh về đường, điện, thoát nước, trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo, nghĩa trang... đúng quy chuẩn đô thị giúp người dân yên tâm, tin tưởng. Hai vợ chồng bà Lâm Thị Hồng Anh - Võ Đình Việt có 4,6ha đất trồng cao su, mua từ năm 2002 ở xã Suối Trầu, được bồi thường đất, hỗ trợ vườn cây, vật kiến trúc… là 21,5 tỷ đồng. Nhận thấy chính sách bồi thường, tái định cư thỏa đáng nên đã tình nguyện nhận tiền đợt 1 và được UBND huyện tặng giấy khen. Gia đình còn tích cực vận động nhiều hộ dân cùng bàn giao mặt bằng sớm cho nhà nước để DA xây dựng sân bay sớm được triển khai.

Một kinh nghiệm quan trọng là tính công khai, minh bạch của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bồi thường về đất, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản trên đất, trợ cấp các loại, thưởng di dời)... được các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu công khai đến từng hộ dân, kịp thời điều chỉnh các sai sót trong kiểm đếm, áp giá bồi thường, bố trí tái định cư.

Sân bay Long Thành là DA quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để triển khai DA, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38 ngày 19-6-2017, tách công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của DA thành DA thành phần. Ngày 6-11-2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1487 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng mức đầu tư khoảng 22.856 tỷ đồng, giao UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện từ năm 2017-2021.

Tin cùng chuyên mục