Nỗ lực giữ bạn đọc

Là một trong những sự kiện chào mừng 60 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954), Hội sách Hà Nội diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long từ ngày 26-9 đến hết 2-10 thành công vang dội là một bất ngờ đối với tất cả mọi người, từ bạn đọc đến cả những người làm sách. Và cũng từ hội sách này, văn hóa đọc trong nước có được một cách nhìn nhận mới.
Nỗ lực giữ bạn đọc

Là một trong những sự kiện chào mừng 60 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954), Hội sách Hà Nội diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long từ ngày 26-9 đến hết 2-10 thành công vang dội là một bất ngờ đối với tất cả mọi người, từ bạn đọc đến cả những người làm sách. Và cũng từ hội sách này, văn hóa đọc trong nước có được một cách nhìn nhận mới.

Bất ngờ lớn

Thu được 5 tỷ đồng tiền bán sách sau 6 ngày mở cửa, hàng trăm ngàn bạn đọc thủ đô đến tham dự… là những con số mà trước khi bắt đầu, ban tổ chức Hội sách Hà Nội không thể ngờ đến.

Trước nay cứ nói đến hội sách ai cũng nghĩ đến Hội sách TPHCM, thậm chí những người yêu sách trên cả nước cũng truyền khẩu nhau câu “Muốn đi hội sách, phải vào Sài Gòn”. Hà Nội không phải không có hội sách, năm nào cũng có thậm chí có đến nhiều hội thế nhưng hội sách ở đây lại ít thu hút bạn đọc.

Không phải người Hà Nội không mê sách, ngược lại Hà Nội là một trong hai thị trường tiêu thụ sách lớn nhất cả nước, phố sách Đinh Lễ nổi tiếng gần xa, ngày nắng ngày mưa luôn tấp nập bạn đọc. Có nhiều nguyên nhân khiến Hội sách Hà Nội thường vắng khách mà nguyên nhân chính được nhiều người nêu ra là do bạn đọc chưa quen việc dồn lại mua sách tại các hội sách.

Bạn đọc chọn mua sách.

Chính vì thế, việc Hội sách Hà Nội 2014 thành công vang dội về doanh thu, về lượng khách được xem là một bất ngờ lớn. Cái bất ngờ này thể hiện việc ngay cả ban tổ chức cũng không ngờ đông khách đến thế. Chỉ có 45 đơn vị tham gia với 112 gian hàng, bằng 1/3 số đơn vị và 1/5 số gian hàng so với Hội sách TPHCM nhưng Hội sách Hà Nội đã phải quá tải, hỗn loạn trong công tác phục vụ. Xe không có chỗ gửi, phải để rất xa, trộm cắp gia tăng do tình trạng lộn xộn vì quá đông người, công tác truyền thông, quảng bá còn yếu nên những ngày cuối bạn đọc mới đến nhiều… Các hoạt động văn hóa đọc như hội thảo, tọa đàm, giới thiệu sách cũng rất hạn chế.

Tuy nhiên, việc khắc phục những trở ngại trên cũng không phải là điều không thể, những kinh nghiệm của Hội sách TPHCM sẽ là cơ sở để Hội sách Hà Nội cải thiện công tác tổ chức những lần sau.

Những thu hoạch từ hội sách

Thực tế, việc nhiều người tiếc nuối nhất về Hội sách Hà Nội không phải ở những điểm nêu trên mà là việc hội sách đã không thống kê được lượng sách, tên sách bán ra. Đây là những con số rất quan trọng, mang tính tham khảo để người làm sách đánh giá thị trường, nhà phê bình xem xét thói quen đọc, người quản lý xây dựng phương hướng phát triển văn hóa đọc…

Chính vì thế, sau hội sách đã nảy sinh tình trạng có những đánh giá khác nhau về nhu cầu đọc sách của bạn đọc thủ đô. Có ý kiến cho rằng sách ngôn tình được bạn đọc tìm mua nhiều nhất và vì thế cho rằng văn hóa đọc trong nước đang gặp vấn đề với dòng sách bị cho là “rẻ tiền” này.

Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng Hội sách Hà Nội không bán nhiều sách ngôn tình vì danh sách các đơn vị bán nhiều sách nhất, trừ Fahasa là nhà phát hành, thì các đơn vị làm sách còn lại như Nhã Nam, Kim Đồng, Đông Tây, Thái Hà, Alpha đều không phải là những đơn vị mạnh về mảng sách ngôn tình, thậm chí còn không làm.

Tuy nhiên, dù thiếu thống kê chung nhưng hội sách cũng đã cho thấy thu hoạch của nó. Thông qua hội sách, nhiều thông tin đáng chú ý về văn hóa đọc đã được bộc lộ như Nhã Nam cho biết sách bán chạy nhất của họ là Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 của GS Lê Thành Khôi. Điều này cho thấy, bạn đọc Hà Nội quan tâm đến sách sử nhiều hơn các nơi khác.

Một chi tiết thú vị khác là cuốn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do NXB Trẻ xuất bản cũng được bạn đọc lùng mua rất nhiều do có thiết kế độc đáo giống y như một tấm hộ chiếu (passport). Một bạn đọc khoe trên mạng xã hội rằng đang để cuốn di chúc ở một vị trí trang trọng, vừa lưu giữ những lời dặn dò của Bác lại vừa có một nét riêng rất khác lạ cho tủ sách gia đình.

Văn hóa đọc lên ngôi

Điều khó nhất khi làm hội sách ở Hà Nội là có bạn đọc giờ đã làm được, vấn đề là làm sao giữ được bạn đọc. Đại diện một NXB tại TPHCM nhận xét người Hà Nội và người TPHCM có thói quen mua sách, đọc sách khác nhau, do đó bên cạnh công tác hậu cần, giữ xe… cần học hỏi ở Hội sách TPHCM thì Hội sách Hà Nội nên khai thác những nét riêng của mình, không nên bắt chước toàn bộ.

Ví như người TP có thói quen càn quét các gian hàng sách, cuốn nào ưng ý, xem qua thấy được là mua luôn, về đọc sau. Người Hà Nội ngược lại, họ tỉ mẩn chọn từng cuốn, đọc hẳn một đoạn dài, ngẫm nghĩ tới lui rồi mới chọn. Chính vì thế, bày sách ở hội sách TP thì chú ý càng có nhiều sách xuất hiện trước mắt bạn đọc càng có lợi. Hội sách Hà Nội lại cần không gian cho người lựa sách rộng rãi hơn để họ đọc, chọn…

Ngoài ra, hội sách không chỉ để bán sách mà còn là nơi tổ chức các hoạt động về sách, điều này hội sách ở TPHCM đã làm rất tốt với hàng chục cuộc giao lưu, hội thảo, tọa đàm… Đây là một trong những điểm mà những người tham gia hội sách ở Hà Nội đều cho rằng cần phải chú ý ở các lần tổ chức sau này.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục