Nỗ lực “xanh hóa” các dòng kênh

Sau những chuyển biến tích cực từ việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo các kênh, rạch còn lại. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đầu tư, cải tạo 3 hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh Hy Vọng và rạch Xuyên Tâm.

Giảm ngập các khu vực trọng yếu

Hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua địa bàn 8 quận, huyện của TPHCM có chức năng tiêu thoát nước cho một lưu vực lớn. Quá trình phát triển nhanh đã làm cho hệ thống kênh này bị bức tử nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Tương tự, kênh Hy Vọng thuộc phường 15, quận Tân Bình, hơn 10 năm qua người dân nơi đây phải sống chung với ô nhiễm, rác thải ùn ứ, nước kênh đen sì. Đặc biệt, khi mùa mưa đến khu vực này lại bị ngập nặng, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn tác động lớn đến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ở khu vực Tân Bình, hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải tập trung hiện quá cũ (chỉ 10% đạt yêu cầu), trên 30% diện tích khu vực chưa có cống thoát nước. Quá trình khảo sát và tìm hiểu cuộc sống người dân dọc kênh Hy Vọng cho thấy, nếu không sớm cải tạo sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gây mất an toàn bay, đồng thời làm ô nhiễm môi trường sống của người dân trong khu vực.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở rạch Xuyên Tâm chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Gần 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nghiêm trọng do các loại rác thải, chất thải của hàng ngàn hộ dân sinh sống hai bên rạch thải xuống, nhiều đoạn tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập nước.

Người dân khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều lần kiến nghị chính quyền TPHCM sớm triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải thiện hạ tầng khu vực.

Nỗ lực “xanh hóa” các dòng kênh ảnh 1 Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được thành phố chỉnh trang sạch đẹp. Ảnh: CAO THĂNG

Theo BQL Dự án đầu tư xây dựng TPHCM, việc cải tạo, nâng cấp kênh rạch hiện nay là rất cần thiết. Dự án cải tạo hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giúp giải quyết trọng điểm tiêu thoát nước, chống ngập cho trung tâm và khu vực Tây Bắc.

Đồng thời, giải quyết được vấn đề ô nhiễm, phát huy hiệu quả các dự án thoát nước đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố; hình thành tuyến giao thông kết nối giữa TPHCM đi các tỉnh miền Tây qua của ngõ Long An và các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai. Dự án cải tạo kênh Hy Vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập cho quận Tân Bình và đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Hơn 19.000 tỷ đồng cải tạo kênh rạch

TPHCM có hệ thống kênh rạch dày đặc góp phần lưu thông dòng chảy, tuy nhiên quá trình đô thị hóa nhanh đã và đang “bức tử” nhiều kênh rạch trên địa bàn, nạn lấn chiếm và xả rác ra kênh rạch còn phổ biến. Hệ lụy dẫn đến là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mỗi mùa mưa đến, nước ngập không lối thoát gây nhiều xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù kế hoạch cải tạo kênh rạch đã được thành phố lên kế hoạch từ lâu, song hiện thành phố đang gặp khó khăn về vốn và nhiều lý do nên các dự án cải tạo kênh rạch chưa được triển khai. Tuy nhiên, với tình hình cấp bách như hiện nay, thành phố sẽ nỗ lực, quyết tâm thực hiện cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị, đảm bảo môi trường sống người dân.

Theo ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TPHCM, công trình kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên gồm các hạng mục: xây bờ kè dài hơn 32,7km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc 2 bờ kênh...

Dự án nhằm thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh); hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TPHCM đi các tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Đông, nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và kết nối vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, dự án còn góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người trong lưu vực rộng gần 15.000ha. Chi phí đầu tư công trình khoảng 8.200 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 6.400 tỷ đồng, còn lại là đền bù, giải phóng mặt bằng và các khoản dự phòng. Dự án được đề xuất triển khai giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách Trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố đối ứng 4.200 tỷ đồng.

Đối với dự án rạch Xuyên Tâm, tổng mức đầu tư cải tạo dự án hơn 9.300 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng gần 4.500 tỷ đồng, còn lại là giải phóng mặt bằng. Dự án sẽ bao gồm các hạng mục: nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 2 bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700ha...

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Dự án cải tạo kênh Hy Vọng sẽ tập trung vào tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực khoảng 51,3ha. Kết hợp xây dựng 2 tuyến đường dọc kênh bảo đảm giao thông thuận lợi cho người dân, góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.980 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù hơn 1.595 tỷ đồng. Dự kiến dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục