Trên sóng giờ vàng VTV hiện đang duy trì 2 khung giờ dành cho các phim truyền hình có thời lượng ngắn. Lúc 20 giờ từ thứ hai đến thứ sáu trên VTV3 là series Xin chào hạnh phúc. Khung giờ 21 giờ trên VTV1 hiện đang phát sóng bộ phim Những ngày không quên (ảnh). Đạo diễn Dũng Nghệ, người từng tham gia sản xuất nhiều phim ngắn trong series Xin chào hạnh phúc nhìn nhận: “Đây không phải xu hướng nhất thời mà là tất yếu ở thị trường Việt Nam”. Còn theo đạo diễn Nhâm Minh Hiền, đây là xu hướng thời thượng, thuận tiện cho nhu cầu thưởng thức và phù hợp với nhịp sống hiện đại ngày nay.
Danh sách các khung giờ hiện đang phát sóng phim ngắn, bao gồm cả thể loại sitcom (hài kịch tình huống) trải dài trên khắp các kênh sóng. Khung 19 giờ 50 Đài Truyền hình Vĩnh Long 1 đang phát sóng phim cổ tích Hai chàng hảo hớn; kênh VTV9 lúc 15 giờ có sitcom Oan gia bùm chéo, 15 giờ 45 phim ngắn Lập trình trái tim, 19 giờ 50 phim Con dâu thời nay và 20 giờ 40 phim Gia đình hòa thuận; kênh HTV7 lúc 9 giờ 45 sitcom Vợ tui tui sợ, 16 giờ 15 phim Hạt giống tâm hồn, 19 giờ 33 sitcom Lao xao sau lũy tre làng; kênh HTV9 khung 13 giờ 25 sitcom Những cư dân hiện đại, 16 giờ 20 sitcom Tía ơi lấy vợ nha tía, 18 giờ 10 sitcom Mẹ chồng làm dâu…
Theo Giám đốc Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS) Lý Quang Trung, từ 2 năm về trước, đơn vị này đã lên kịch bản sản xuất phim ngắn N+1, dự kiến 20 tập nhưng vì chi phí sản xuất, bối cảnh cao nên chưa thực hiện được. Gần đây, TFS cũng lên kế hoạch sản xuất một phim ngắn cho trẻ em nhưng chưa được duyệt. Khó khăn của TFS là do cấu trúc chương trình của HTV chưa thay đổi nên hãng vẫn chỉ tập trung sản xuất phim 45 phút.
Phân tích những lợi điểm của phim ngắn, đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, thể loại này dễ tìm được khung giờ phát sóng của các nhà đài và không phải chịu quá nhiều áp lực khi đi tìm quảng cáo như phim 45 phút. “Khán giả còn có thể xem trên các thiết bị di động mọi lúc, mọi nơi điều mà phim 45, 60 hay 90 phút sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, đạo diễn này cho biết. Nhìn ở góc độ đầu tư, theo ông Trung, phim ngắn không đòi hỏi chi phí cao như phim dài, thời gian tổ chức sản xuất cũng thuận lợi hơn. “Phim càng ngắn càng khó” là nhận định của đạo diễn Nhâm Minh Hiền.
Trong thời lượng ngắn làm sao để khán giả hiểu câu chuyện, đòi hỏi biên kịch, đạo diễn phải có cách kể thông minh, không để phân cảnh dư thừa. Do đó, về mặt kỹ thuật cần phải nhanh về tiết tấu, dùng ngôn ngữ điện ảnh nhiều hơn để kể chuyện. “Đây là một thách thức rất lớn với người làm nghề vì thời lượng càng ngắn cách thể hiện phải càng thật ấn tượng mới có thể thu hút khán giả. Hiện tại, cách viết kịch bản cho thể loại phim này vẫn chưa định hình rõ nét được bất cứ công thức nào. Nó vẫn đang là đứa con lai giữa kiểu viết phim 45 phút và sitcom”, đạo diễn Dũng Nghệ chỉ ra thêm.
Dù thuộc phương thức thể hiện như thế nào, kết quả cuối cùng vẫn nằm ở chất lượng. Thực tế, những phim truyền hình ngắn tập có sức ảnh hưởng và rating cao cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.