Cầm đồ - cách vay tiền nhanh chóng với “thủ tục” đơn giản đang “hút” nhiều sinh viên, nhất là sinh viên tỉnh lên thành phố lao vào.
Thời điểm vật giá tăng, nhưng “lương” ba mẹ chu cấp thì vẫn đứng yên, gặp khi túng quẫn, nhiều sinh viên chỉ còn cách mang các tài sản khiêm tốn của mình như điện thoại, máy tính, xe máy, nhẫn, bông tai…đi “cắm” (là cách gọi nhanh của chuyện đem đồ đi cầm).
Cũng có nhiều sinh viên đi cầm đồ chỉ là để gửi đồ. Mỗi dịp hè, tết về thăm nhà, đồ đạc như máy vi tính, ti vi, xe đạp không người trông giữ, thế là các bạn chỉ việc đem đi cầm, dù phải chịu lãi suất 5-7 ngày, còn hơn là cứ lo ngay ngáy lúc về quê bị kẻ trộm cuỗm hết. Nhưng điều đáng buồn nhất, đó là số sinh viên cầm đồ để trang trải khi khó khăn thì ít, mà sinh viên “cắm” đồ để lấy tiền để ăn chơi, nhậu nhẹt, cá độ đá bóng, mua sắm… lại rất nhiều.
- Lãi suất trên trời
Tại một tiệm cầm đồ trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, TPHCM), khi chúng tôi vừa bước chân vào cửa, bà chủ tiệm mắt long lanh chào đón ngay: “Kẹt tiền phải không? Cầm gì, đưa chị xem rồi định giá”.
Chúng tôi đặt chiếc điện thoại nokia E66 lên bàn. Chủ tiệm cầm chiếc điện thoại lên ngắm nghía, xoay tới xoay lui, mở cả nắp và pin phía sau ra kiểm tra rồi nói ngắn gọn: “Một triệu năm trăm ngàn. Lãi suất bốn mươi ngàn đồng một tuần, được thì ghi hóa đơn”.
Chê chú dế cưng được định “giá bèo”, chúng tôi không đồng ý cầm. Cùng lúc đó, một cô gái trạc khoảng 20, 21 tuổi cũng bước vào tiệm mở khăn mùi xoa giơ ra đôi bông tai bằng vàng. Sau khi thảo thương “thế của thành tiền”, cô gái này liền móc điện thoại gọi: “chỉ "cắm" được hai “chai” thôi. Đêm nay anh bắt Man City mà thua nữa là chết với em”.
P.Trang - một sinh viên năm ba, quê ở Hà Tĩnh, kể câu chuyện buồn về một lần đi cầm đồ: “Tháng 11-2010 vừa qua tất cả tài sản của gia đình em đều cuốn theo dòng nước lũ. Khó khăn nối tiếp khó khăn, bốn tháng liền không được ba mẹ gửi phụ cấp, em đành phải khất nợ tiền nhà, mượn tạm bạn bè tiền ăn. Cuối tháng 3, kẹt quá nên em quyết định mang cầm chiếc xe đạp cũ được 700.000 đồng, với lãi suất là 5 000 đồng một ngày. Hai tháng sau, em gộp tiền lương đi làm thêm cộng với tiền vay bạn bè đến chuộc lại xe, nhưng thật không ngờ cả gốc lần lãi em phải trả lên tới gần 2 triệu đồng. Hỏi ra em mới biết mức lãi suất sau mỗi tuần chủ tiệm cầm đồ lại nhân đôi lên. Buồn tê lòng, em đành ngậm ngùi bỏ xe”.
Điệp khúc “hết tiền thì đi cầm đồ” trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên hiện nay. Song một khi laptop, điện thoại, xe máy “cắm” rồi mà không có tiền lấy ra, thì tiếp đó là giấy tờ tùy thân, là thẻ sinh viên, bằng lái… được lôi ra “cắm” tiếp. Có vẻ đã từng “cắm” đồ nhiều lần, V.Thịnh thao thao nói với chúng tôi: “Thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân được khoảng 500.000 đồng”
Theo khảo sát của chúng tôi, lãi suất cần đồ cho sinh viên được các chủ tiệm áp dụng mức từ 3-5%, nhưng đến tuần thứ hai mà chưa có tiền chuộc thì lãi suất tăng gấp đôi. Và cứ lũy tiến như thế cho đến khi có tiền chuộc, hoặc phải …bỏ của chạy lấy người.
- Mất tiền, mất điểm, mất cả lòng tin…
Lãi suất mức “trên trời”, mà lãi còn chồng lên lãi, khiến nợ chồng lên nợ, việc học hành thi cử của các bạn sinh viên phải mang đồ đi cầm chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Sau mỗi lần “cắm” đồ, tất nhiên sinh viên ấy phải “lao tâm khổ tứ” nghĩ cách chuộc đồ. Phần đông sinh viên sau khi cắm đồ là chờ tiền của phụ huynh gửi lên, hoặc là năn nỉ bạn bè rộng lòng mỗi đứa cho vay một ít. Có bạn thì chờ lương nơi làm thêm… Song một khi không thể lo đủ tiền, nhiều bạn sinh viên cũng có “chiêu” để “hợp thức hóa”. “Cùng lắm gọi điện thoại về nhà nói rằng bị mất xe là xong” – một sinh viên nói tỉnh bơ. Vì vậy, chuyện “cắm” đồ không chỉ mất tiền, mất của mà nhiều sinh viên còn đánh mất cả lòng tin của gia đình, bạn bè.
“Mình mang chiếc nhẫn đôi mà mình và bạn gái mua kỷ niệm ngày quen nhau mang đi cắm để lấy tiền chơi game. Chơi hết tiền ma chưa xoay được tiền chuộc. Xui xẻo bị bạn gái biết được. Cô ta cực giận và kết quả là …chia tay ngậm ngùi”- Minh Tấn, sinh viên năm 4, thổ lộ.
Còn H.Thanh (ĐH Văn Lang) thì kể: “Mình nói dối ba mẹ mất điện thoại 2 lần. Đến khi điện thoại mất thật thì ba mẹ không còn tin mình nữa, vậy là khỏi nghĩ tới quần áo đẹp hay kiểu tóc mới...”.
Sau thời gian ở giảng đường, biết bao bạn sinh viên phải “thắt lưng buộc bụng” trong sinh hoạt, hoặc phải đi làm thêm vất vả để kiếm thêm tiền ăn-học, thế nhưng vẫn còn đó những sinh viên sẵn sàng mang những món đồ cha mẹ đổ mồ hôi mới có tiền mua cho, đem đi “cắm” để ăn chơi, thỏa cơn nghiện ngập.
Hai từ “cắm" đồ nghe thật đắng lòng!
Bài, ảnh: Thanh Huyền