Trước khi nghỉ hưu, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước có 3 lần lỡ hẹn với Trường Sa. “Tôi rất buồn khi nghĩ rằng đang công tác mà còn không đi được, huống gì nghỉ hưu. Vì thế, trong lòng tôi luôn day dứt, món nợ ân tình với Trường Sa chắc nợ mãi luôn rồi ”, nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ. Nhưng rồi đến năm 2010, bà có dịp đến với Trường Sa và những hình ảnh thiếu thốn, gian khổ của quân, dân nơi đây đã thôi thúc bà phải làm được điều gì đó thật ý nghĩa cho quần đảo tiền tiêu này.
Nặng nợ với Trường Sa
“Thời gian tôi đi Trường Sa không nhiều, nhưng có những câu chuyện nhỏ rất cảm động, khiến tôi nhớ mãi. Lần đầu ra và khi chuẩn bị quay về đất liền, tôi hỏi mấy đứa nhỏ trên đảo rằng mấy con thích ăn gì? Mấy cháu kêu là: “Tụi con thích ăn kem”. Cây kem ở đất liền bình thường lắm, con nít muốn ăn bao nhiêu cũng có nhưng ngoài đảo đó là những mong ước rất giản đơn. Trong chuyến quay trở lại lần sau tôi đặt mua 100 hộp kem, gửi hầm đá trên tàu. Khi ra tới đảo, vừa mở thùng kem, tụi nhỏ quây lại mừng vui khôn xiết. Mấy đứa nhỏ thích thú ăn ngon lành”, bà Trương Mỹ Hoa xúc động tâm sự.
Nguyên Phó Chủ tịch nước kể tiếp: Những ngày trên đảo, tôi rất mừng vì diện mạo mới của Trường Sa, đời sống chiến sĩ được nâng lên, tinh thần chiến đấu của anh em luôn sẵn sàng, thể hiện sự lạc quan rất rõ. Tuy nhiên, đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Tôi có đi thăm một lớp học. Nói là lớp học nhưng chỉ là một cái phòng nhỏ trong ủy ban được tận dụng để một cô giáo dạy cho khoảng chục em học sinh. Các em nhiều trình độ khác nhau, có em lớp 1, lớp 2, có em lớp 3… nên học phải đối lưng. Cô dạy bên này chưa xong phải quay bên kia để dạy những em khác… Cả cô và trò đều mong ước có một ngôi trường để học, trường ra trường, lớp ra lớp. Tôi đã rất xúc động trước chia sẻ của một số ngư dân trên đảo, rằng đời của họ có thể dốt nát nhưng chỉ mong các con cháu, dù ở đảo cũng phải biết chữ… Họ thiết tha về một mái trường giữa biển khơi. Tôi mang theo trăn trở ấy về đất liền với ước mong các cháu có trường để yên tâm học tập, cha mẹ các cháu yên tâm bám đảo.
Trao học bổng tặng con em chiến sĩ hải quân, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn
Về đất liền, bà bàn bạc và thống nhất với Trung ương Đoàn, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân khác. Và rồi ngày 15-8-2012, chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, do bà ấp ủ bấy lâu ra đời. “Ngày 21-4-2013, Trường Tiểu học Trường Sa Lớn được khánh thành trong niềm hạnh phúc của tất cả người dân trên đảo, những người đã góp những viên gạch nghĩa tình xây dựng nên ngôi trường đặc biệt này. Trường là nơi dạy cho các em biết chữ, giúp cha mẹ các em an tâm bám biển. Và trường cũng là công cụ để đấu tranh và giữ gìn chủ quyền của mình. Có được điều này là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng bà con trong và ngoài nước”, bà Trương Mỹ Hoa cho biết.
Và ngôi trường thứ hai tiếp tục mọc lên giữa đảo Sinh Tồn một năm sau đó, ngày 19-4-2014, cũng bằng sự chung tay góp sức của hàng vạn tấm lòng hướng về Trường Sa. Bà chia sẻ: “Hai ngôi trường ngày chắc chắn sẽ vững chãi và đầy kiêu hãnh giữa sóng nước Trường Sa bởi nó được xây dựng bằng những chất liệu thật đặc biệt. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương và lòng yêu nước…”.
Nối dài những yêu thương
Năm 2014, 2 năm sau khi ra mắt chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, bà Trương Mỹ Hoa tiếp tục sáng lập CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, tập hợp những tấm lòng vì Hoàng Sa - Trường Sa. Lần này, đối tượng trợ giúp không phải chỉ những người lính, bà con mình ở đảo xa mà còn là người dân vùng ven biển, con em ngư dân ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Đó là những phần quà tết cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa, là những suất học bổng cho con em chiến sĩ và ngư dân khó khăn… Đối tượng không chỉ là con em chiến sĩ Hải quân, mà còn là con em lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư; con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 7 tỉnh thuộc vung biển Nam bộ và 7 tỉnh thuộc vùng biển Nam Trung bộ cùng với 2 đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Không chỉ là quà, là học bổng, trong 3 năm học, từ 2014 - 2017, CLB đã phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính đưa 55 học sinh là con của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và ngư dân các đảo thuộc vùng biên Nam Trung bộ và Tây Nam bộ về học tại các trường ở TPHCM với số tiền học bổng được thụ hưởng gần 8 tỷ đồng cho 3 năm đầu. “Chúng tôi không thay được công việc của những chiến sĩ ngoài biển khơi thì sẽ cố gắng làm tốt công tác hậu phương, chia sẻ phần nào gánh nặng chăm lo gia đình cho các anh”. Lời sẻ chia ấm áp đó của bà Trương Mỹ Hoa đã nói lên tình cảm và tấm lòng của tất cả các thành viên CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu với biển đảo Tổ quốc.
Tin tưởng vào việc làm ý nghĩa của CLB, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã có những cách làm đầy sáng tạo để quyên góp, ủng hộ. Quỹ Thiện Việt đã tổ chức các chương trình ca nhạc với chủ đề “Con đường màu xanh”, “Mùa hi vọng” bán đấu giá tranh, các vật phẩm có giá trị… ủng hộ CLB. CLB từ thiện Kim Hằng lại ủng hộ bằng cách tổ chức tiệc buffet định kỳ hàng tháng và số tiền lãi dành một phần gửi cho CLB. Với Trường THCS - THPT Hồng Hà, thể hiện tình yêu biển đảo bằng những tờ báo tường, bài cảm nhận tường hướng về biển đảo quê hương; thầy trò Trường THPT Ngô Thời Nhiệm lại sáng tác cả tập thơ về biển đảo, chiến sĩ hải quân… để qua CLB gửi tới Trường Sa.
Chính những tấm lòng luôn hướng về Hoàng Sa - Trường Sa đã trở thành những cánh tay nối dài tiếp thêm nguồn động lực, sức mạnh, niềm tin để các chiến sĩ vững vàng bám biển, giữ yên vùng trời, vùng biển Việt Nam.
| |
VÕ THẮM