
Tôi còn nhớ, khoảng giữa năm 2003, nhóm nhân viên trẻ của Tập đoàn BAT đã gặp gỡ chúng tôi để xúc tiến việc thành lập một quỹ vốn chủ yếu giúp đỡ bà con nông dân nghèo có vốn làm ăn. Nguyên tắc được đặt ra là số tiền trợ giúp không cho không mà dùng để hỗ trợ người nông dân tự vươn lên phát triển sản xuất, làm ăn được thì trả lại vốn ban đầu cho quỹ để có vốn tiếp tục giúp đỡ những người nông dân khác.
Từ đó đến nay, nguồn quỹ đã cho nhiều hộ nông dân ở TPHCM, Đồng Nai, An Giang vay không lãi suất để phát triển sản xuất, chăn nuôi bò, tôm sú, buôn bán nhỏ với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Một đơn vị ủng hộ quỹ Xã hội - Từ thiện của Báo SGGP. Ảnh: T.T.
Để những đồng vốn ít ỏi nhưng quý giá này đến tay người nông dân cần sự trợ giúp thật sự, Ban Chương trình Xã hội của Báo SGGP đã cùng nhân viên Tập đoàn BAT đến các địa phương, kể cả vùng sâu vùng xa, để khảo sát thực tế, phối hợp với địa phương lựa chọn cho đúng đối tượng.
Kết quả những lần trở lại được chứng kiến những người nông dân nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời đã tự mình phát triển sản xuất, bán được sản phẩm, có đồng tiền để mua sắm các vật dụng trong nhà, có tiền trả lại cho quỹ để tiếp tục giúp đỡ những trường hợp khác đang cần “tiếp sức”, chúng tôi luôn xúc động.
Quả thật, ban đầu, trước một số ý kiến lo ngại đưa vốn cho nông dân nếu không quản lý tốt, người nông dân có khi dùng số tiền đó tiêu vào mục đích khác, chẳng mấy chốc mà quỹ cụt vốn. Nhưng nhiều người đã tỏ ra tin tưởng nếu có cách hướng dẫn, sự phối hợp với các đoàn thể địa phương thì khả năng thu hồi vốn sẽ tốt, vì người nông dân rất thật thà, ai cũng muốn trả lại vốn sòng phẳng. Người làm từ thiện phải biết tin vào tấm lòng của người khác. Đó là một yếu tố đã mang lại thành công.
Những nhân viên trong Ban Chương trình Xã hội đã mỗi người một việc, cùng thực hiện hàng loạt chương trình từ thiện khác, hỗ trợ bệnh nhân cơ nhỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xây dựng nhà tình thương - tình nghĩa, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, quỹ từ thiện giúp đỡ những trường hợp khó khăn đột xuất, cơ nhỡ…
Những chương trình này không chỉ mang lại nụ cười, sự sống mà còn giúp nhiều người ổn định cuộc sống gia đình trong những căn nhà mới khang trang… Đặc biệt, với chuyên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ”, Báo SGGP đã đưa lên mặt báo nhiều bài viết của phóng viên, cộng tác viên khắp mọi miền đất nước về những trường hợp khó khăn, bệnh tật cụ thể để kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người trong xã hội, ai có khả năng bao nhiêu giúp đỡ bấy nhiêu.
Đã có hơn 300 địa chỉ cần giúp đỡ được nêu lên và có hơn 6 tỷ đồng được đông đảo bạn đọc gửi về nhờ chuyển giúp đến các đối tượng, kịp thời giúp họ vượt qua khó khăn, hoặc có những trường hợp quá chậm thì cũng giúp được gia đình họ trong cơn ngặt nghèo…
Nhìn lại một quá trình gắn bó với công tác từ thiện, những nhân viên của báo hàng ngày tiếp xúc với nhiều đối tượng: người bệnh, người cơ nhỡ, những người rất bình dị khi đọc những thông tin cần giúp đỡ đã nhanh chóng đến chia sẻ bằng những đóng góp cụ thể trong khả năng của mình… họ cũng trả lòng với từng trường hợp.
Có những mạnh thường quân có điều kiện, mỗi năm ủng hộ quỹ cho bệnh nhân cơ nhỡ cả tỷ đồng nhưng không hề muốn nêu tên trên mặt báo, không nhận những lời khen tặng, vì họ làm từ thiện từ đáy lòng. Có những người tuy tàn tật, nhưng họ làm được bao nhiêu lại dành dụm chắt chịu mang đến cho quỹ, vì biết rằng còn nhiều trường hợp đáng thương hơn đang cần giúp đỡ.
Và có những người lao động khi đến trên nếp áo công nhân vẫn lấm lem dầu mỡ, trên bàn tay vẫn vương bụi đất, những ngón tay còn cáu bẩn nâng niu vài chục, vài trăm nghìn đồng mà họ đã cố dành dụm chia sẻ với những người bất hạnh với cả tấm lòng nhân hậu.
Những người đến với các chương trình từ thiện của Báo SGGP bằng nhiều cách, nhưng tất cả toát lên rằng, nơi đây xứng đáng là địa chỉ liên kết những tấm lòng từ thiện, người cần giúp đỡ sẽ nhận được sự giúp đỡ với một tấm lòng nhân ái, trân trọng và nâng niu.
Hoàng Quân