Nỗi khổ “cây cao bóng cả”

Thế hệ ông bà ở Mỹ, trong đó bao gồm cả 78 triệu baby boomer (những người sinh ra trong giai đoạn 1946-1965), hiện chiếm 1/4 số người trưởng thành. Đến năm 2020, khoảng cách này sẽ rút ngắn còn 1/3, do số người già đang tăng với tốc độ gấp 2 lần tỷ lệ tăng dân số nước này.

Nhờ nền y học tiến bộ, người già ở Mỹ ít bệnh tật hơn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ phải cống hiến lâu hơn cho đất nước. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, họ còn là những người gánh vác gia đình và trông nom con cháu. “Thế hệ vàng” baby boomer, vốn quen với cuộc sống hưởng thụ và làm giàu dễ dàng do được lớn lên trong thời kỳ nước Mỹ phát triển rực rỡ, giờ đây phải thay đổi cách sống để trở thành thế hệ ông bà mới ở Mỹ.

Theo AP, nhiều năm trước đây, vai trò ông bà ở Mỹ chỉ là lấp vào chỗ trống khi cha mẹ bọn trẻ vắng nhà, bệnh tật hoặc chìm trong nghiện ngập. Nhưng thời nay, “chúng tôi hay làm việc vặt giúp 5 người con, chăm sóc 7 đứa cháu, đưa chúng đi học, đi khám bệnh…”, Doug Flockhart, kiến trúc sư về hưu ở bang New Hampshire kể lại nếp sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng ông.

Không những thế, họ còn phải chi trả tiền chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình khi kinh phí an sinh xã hội Mỹ đang thiếu thốn. Dù cảm thấy hạnh phúc với vai trò truyền thống ấy, nhưng họ không khỏi băn khoăn liệu phần lương hưu ít ỏi của hai ông bà có đủ trả tiền học phí đại học cao ngất ngưởng cho các cháu không?

Các nhà nhân khẩu học Mỹ cho biết hoàn cảnh như gia đình ông Flockhart đang ngày càng phổ biến. Theo số liệu thống kê, đến giữa năm 2011, có 7,5 triệu trẻ em Mỹ đang sống với ông bà, so với 4,5 triệu trẻ vào năm 2000.

Sự gia tăng này xuất phát từ tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Mỹ bấy lâu vẫn không có dấu hiệu giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Tỷ lệ trẻ em sống với ông bà ở một nửa số tiểu bang Mỹ tăng 40% so với thập kỷ trước. Đặc biệt là các bang có đông người trẻ tuổi nhưng lại là tầng lớp nghèo nhất như Nevada, Utah, Idaho, Wyoming, Arizona và Kentucky.

Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 25 - 34 cao gấp đôi độ tuổi 55 đến 64 (số liệu năm 2010) ở các tiểu bang này. Do đó, chủ hộ của các gia đình kiểu ông bà – con cháu không phải ai khác mà là những người già. Họ phải gồng lưng gánh vác chi phí hàng tỷ USD mỗi năm cho chi phí ăn học, vui chơi của các cháu. Thế nhưng, sự hy sinh lớn lao đó của họ lại đang bị coi như một gánh nặng kinh tế.

Với mục tiêu cắt giảm 1.500 tỷ USD ngân sách toàn liên bang để đạt được thỏa thuận trần nợ công của Quốc hội Mỹ trước cuối năm nay, nhiều nhà lập pháp đã đề nghị cắt giảm nhiều khoản an sinh xã hội, trong đó có trợ cấp hưu trí. Kinh tế suy thoái đã phần nào làm thay đổi lối sống Mỹ, giúp người trẻ nhận ra chân giá trị của thế hệ “cây cao bóng cả” mà mình đã từng có lúc xem nhẹ trong đời thường. 

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục