Nỗi lo từ những bài kiểm tra

Dư luận tại Nhật mấy ngày qua xôn xao xung quanh chính sách mới của Bộ Giáo dục nước này. Theo đó, để cho hội đồng giáo dục các địa phương công khai kết quả các bài kiểm tra đánh giá chất lượng trên toàn quốc. Nhiều chuyên gia không đồng tình và cho rằng tiêu cực nảy sinh từ chính sách trên có thể bóp méo nền giáo dục xứ Phù Tang.

Dư luận tại Nhật mấy ngày qua xôn xao xung quanh chính sách mới của Bộ Giáo dục nước này. Theo đó, để cho hội đồng giáo dục các địa phương công khai kết quả các bài kiểm tra đánh giá chất lượng trên toàn quốc. Nhiều chuyên gia không đồng tình và cho rằng tiêu cực nảy sinh từ chính sách trên có thể bóp méo nền giáo dục xứ Phù Tang.

Theo Japan Times, tiến hành làm bài kiểm tra đánh giá chất lượng đối với các trường học trên cả Nhật Bản được nối lại vào năm 2007, sau 47 năm bỏ áp dụng. Năm 2013, việc công bố kết quả kiểm tra chất lượng chỉ được phép thực hiện ở một số trường riêng lẻ nếu những trường này muốn và nhận được sự chấp thuận của cơ quan cấp trên, trong khi Bộ Giáo dục Nhật Bản chỉ công bố kết quả kiểm tra ở các cấp tỉnh.

Nay, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Hakubun Shimomura đã quyết định cho phép hội đồng giáo dục địa phương công bố điểm kiểm tra chất lượng của từng trường. Kể từ ngày 22-4, tổng cộng 2,24 triệu học sinh lớp 6 và lớp 9 trên cả Nhật Bản phải có các bài kiểm tra chất lượng đối với 2 môn Toán và tiếng Nhật. Đối tượng tham gia là tất cả các trường công lập, trong các trường tư thục là 47%.

Một trong những hiện tượng tiêu cực bắt nguồn từ chính sách này là chạy đua theo kết quả. Nếu kết quả kiểm tra chất lượng thấp, nhà trường, hội đồng giáo dục địa phương sẽ phải chịu áp lực từ những người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc quá quan tâm đến nâng cao điểm số sẽ làm lệch chuẩn trong giáo dục. Hơn nữa, việc đánh giá chất lượng học sinh mà chỉ dựa trên 2 môn tiếng Nhật và Toán là không toàn diện và thiếu chính xác.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã nhắc nhở nhà chức trách và các bậc làm cha mẹ hãy tìm hiểu lý do tại sao các cuộc kiểm tra chất lượng trên toàn quốc đã không còn được tổ chức từ năm 1967.

Hồi đó, rất nhiều sai phạm liên quan đến làm mọi cách để nâng cao điểm số đã bị phát hiện trong những năm 1960 như tổ chức học thêm chuẩn bị cho bài kiểm tra chất lượng; giáo viên cho học sinh biết trước đáp án, sắp xếp cho học sinh có học lực kém không phải tham gia kiểm tra chất lượng... Một điểm rất đáng lưu ý là những trường có nhiều bài thi kiểm tra chất lượng kém thường tập trung ở những nơi mà phụ huynh có thu nhập thấp. Điều này cho thấy tình trạng dùng tiền bóp méo kết quả kiểm tra là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Trước tình trạng tiêu cực lan tràn trong giáo dục, một tổ chức đại diện cho các giáo viên không đồng tình với cách làm trên đã nộp đơn tố cáo. Năm 1966, Tòa án quận Asahikawa đã ra phán quyết rằng các bài kiểm tra chất lượng là bất hợp pháp.

Phổ cập giáo dục luôn là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới. Để làm điều này, chính phủ các nước phải đầu tư mạnh cho các trường công, nơi học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chi phí cho giáo dục công của Nhật Bản so với GDP của nước này thuộc dạng thấp so với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng việc Chính phủ Nhật Bản nên làm bây giờ là tăng cường hỗ trợ tài chính hơn nữa cho các trường công lập thay vì mất tiền vào những kỳ kiểm tra chất lượng vô nghĩa.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục