Nỗi lo từ sữa mẹ nhiễm hóa chất

Một nghiên cứu mới về sữa mẹ tại Mỹ được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường đã phát hiện ra hóa chất độc hại trong tất cả 50 mẫu được thử nghiệm và ở mức cao hơn gần 2.000 lần so với mức khuyến cáo, tức ở mức từ 50 phần ngàn tỷ (50 ppt), tới 1.850 ppt. Theo các tác giả nghiên cứu, phát hiện này “là nguyên nhân đáng lo ngại” và nêu bật mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Nỗi lo từ sữa mẹ nhiễm hóa chất

Theo bà Erika Schreder, đồng tác giả và Giám đốc của Tổ chức Toxic Free Future, ở Seattle, Mỹ: “Nghiên cứu cho thấy chất PFAS đang làm ô nhiễm thứ đáng lẽ là thực phẩm hoàn hảo của tự nhiên”. PFAS (Per- and polyfluoroalkyl) còn được gọi là hợp chất hóa học tổng hợp, bao gồm khoảng 9.000 hợp chất được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như bao bì thực phẩm, quần áo, chất chống ố, chống dính…. Chúng được gọi là “hóa chất vĩnh viễn” vì không tự nhiên phân hủy và tích tụ trong cơ thể người. PFAS có liên quan đến ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh gan, bệnh tuyến giáp, giảm số lượng tinh trùng và một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Không có tiêu chuẩn nào cho PFAS trong sữa mẹ, nhưng các tổ chức vận động sức khỏe cộng đồng đưa ra mức chấp nhận trong nước uống là 1 ppt. Còn theo Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh và chất độc hại liên bang, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, mức ít nhất là 14 ppt trong nước uống của trẻ em.

Theo bà Sheela Sathyanarayana, đồng tác giả của nghiên cứu và là Bác sĩ Nhi khoa tại Đại học Washington, các nghiên cứu về ảnh hưởng của PFAS với trẻ em (trừ trẻ sơ sinh chưa có nghiên cứu) và người lớn cho thấy nó gây hại cho nội tiết tố và hệ thống miễn dịch. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ về PFAS kể từ năm 2005 liên quan đến mẫu sữa mẹ. 

Tin cùng chuyên mục