Nội tôi

Nội tôi

Lúc tôi ra đời, ông nội bước sang tuổi lục tuần, cái tuổi có thể vẫn bám lấy ruộng nương nhưng do sức khỏe nên nội phải nghỉ ở nhà. Bố mẹ suốt ngày quần quật ngoài đồng nên tôi được chuyển thẳng qua ở với nội khi đang bồng ngửa (nhà nội sát nhà tôi). Tôi chỉ được về nhà lúc 9g tối đến 5g sáng hôm sau. Tuổi thơ của tôi cứ thế lớn lên trên cánh tay nhăn nheo và tiếng hát chèo của nội.

Lên năm tuổi tôi được đưa đến nhà trẻ. Chính ông nội là người đầu tiên dắt tôi đến trường. Khác với những đứa trẻ cùng tuổi khác, tôi là đứa bé có “điều kiện” hơn. Điều kiện ở đây không phải là tiền bạc mà vì tôi có “bạn học” ngay những ngày đầu tiên. Ông nội đưa tôi đến trường và ở lại học với tôi cho tới hết buổi rồi ông cháu cùng nhau về.

Nội tôi ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: vnthuquan.net

Hầu như chiều nào đi học về, ông cháu cũng đều leo lên bờ đê ngồi hóng mát rồi ngắm mặt trời lặn. Nội thường nói với tôi “Đời nội cũng như ông mặt trời kia, chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi là sẽ lặn”. Tôi ngây thơ hỏi nội vậy nghĩa là sao. Nội chỉ nhoẻn miệng cười, xoa đầu tôi rồi hiền hậu nói “Lớn lên cháu sẽ hiểu”. Có những hôm cô giáo bận việc cho lớp nghỉ, nội lại dắt tôi men theo những bờ ruộng, lội qua những đám lúa đang gặt và dạy cho tôi đủ thứ trên đời.

Sử dụng bất cứ cái gì hay ăn một chén cơm, nội cũng thường nhắc nhở tôi về quá trình hình thành của nó và dặn tôi không bao giờ được quên công ơn người khác. Tôi nhớ có lần biếng ăn nên tôi lén đổ cơm sau bụi chuối cho gà. Nội biết được và rất buồn nhưng không mắng tôi. Sau bữa cơm đó, nội dẫn tôi ra đồng và chỉ cho tôi xem những giọt mồ hôi vất vả của những người nông dân, trong đó có cha mẹ tôi.

Nội dạy tôi tính tự lập ngay từ nhỏ. Những buổi đón đưa đến trường vẫn đều đặn nhưng nội thường bỏ tôi một khoảng gần nửa cây số để tôi tự đến trường và dần dần nội chỉ đưa tôi ra cổng mà thôi. Có buổi chiều nội đứng sẵn ngoài lũy tre làng đợi tôi và nói “Cõng cháu một đoạn do hôm nay được cô khen”. Có lẽ không ai biết khích lệ tôi bằng nội. Những việc với tôi tưởng chừng không thể nhưng với lòng kiên trì cộng với một “huấn luyện viên” tận tình thì thật dễ dàng.

Thành tích đáng nể của hai ông cháu không thể không kể những món đồ thủ công do nội chỉ tôi. Đó là những chiếc quạt bằng lá tro. Ban đầu tôi chỉ đan để tặng cha mẹ, các bác ở xa nhưng dần dần đó là một nguồn thu nhập của hai ông cháu. Mỗi cái chỉ được một ngàn đồng nhưng với tôi và nội thì đó là một số tiền lớn. Tiền bán được nội thường đưa cho mẹ tôi mua sách vở và những quyển truyện cổ tích tôi thích.

Lớn lên, tôi cũng đi chăn trâu, chăn bò với mấy đứa cùng trang lứa trong xóm, rồi phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng nhưng thói quen sinh hoạt với nội không thay đổi. Tôi vẫn ngủ chung giường với nội. Tôi có hẳn một góc học tập ngay sát giường của nội. Đó là chiếc bàn do chính tay nội đóng cho tôi. Nội không giỏi mấy môn tự nhiên nhưng văn thơ của nội phải nói là “số một”. Chỉ cần nhẩm qua vài lần mấy bài thơ tôi tụng cả giờ chưa thuộc là nội ngâm lại vanh vách. Vào những ngày Nhà giáo VN 20-11, ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 nội thường làm thơ hoặc giúp tôi sáng tác những “kiệt tác” để tặng mẹ, thầy cô.

Tôi vào đại học là lúc phải xa nội. Mấy ngày gần đi học tôi cứ quấn quýt bên nội. Ông cháu lại dắt nhau đi trên những con đường quê uốn lượn. Chỉ khác là bây giờ tôi dắt nội đi chứ không phải nội dắt tay tôi như ngày xưa. Đêm hôm đó nội thức tới 3g sáng để tiễn tôi đi. Ông cháu cứ ôm lấy nhau mặc còi xe inh ỏi thúc giục. Tôi xa nội, xa gia đình vào Nam học đại học.

Mới đó đã ba năm. Ba năm tôi không được gặp nội. Chắc nội đã thêm nhiều vết nhăn trên khuôn mặt đen sạm, có lẽ răng của nội chỉ còn mấy chiếc, có lẽ nội nhớ tôi nhiều lắm… Hè này cháu sẽ về với nội, nội ơi!

Nhật Tân (ĐHKHXH&NV, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục