Nơm nớp lưu thông cùng xe 3-4 bánh tự chế

TPHCM đã cấm xe 3-4 bánh tự chế từ năm 2008, nhưng hiện nay, loại phương tiện này vẫn tung hoành trên phố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây kẹt xe, mất trật tự đô thị. Đáng nói là những phương tiện này thường không có giấy đăng ký, đăng kiểm, nhưng các cơ quan chức năng, cụ thể là CSGT, ngành GTVT vẫn chưa chấn chỉnh triệt để được tình trạng này.
Ở TPHCM, không khó để bắt gặp các xe độ chế chở hàng cồng kềnh trên đường. Ảnh: Đức Trung
Ở TPHCM, không khó để bắt gặp các xe độ chế chở hàng cồng kềnh trên đường. Ảnh: Đức Trung

Hoạt động rầm rộ 

Thời gian gần đây, trên địa bàn các quận 8, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, tình trạng xe ba gác, xe 3 bánh tự chế hoạt động rầm rộ trở lại. Theo quan sát, hầu hết những xe này rất thô sơ, cũ kỹ, chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, sắc nhọn như kính, sắt, thép… gây tắc nghẽn giao thông. 

Dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua phường Thới An (quận 12), khi xe tải, xe khách lưu thông như “mắc cửi”, thì hàng loạt xe 3 bánh tự chế chất đầy sắt thép cao ngang đầu người vẫn chen ngang vượt mặt, hướng từ quận 12 đi Thủ Đức. “Người ta hay nói ra đường sợ nhất… công nông, nhưng nay sợ nhất mấy ông ba gác máy. Chạy thí mạng mà dễ vướng người đi đường”, một chủ quán nước giải khát ven quốc lộ 1A ngán ngẩm. Còn anh Hồ Văn Hiếu (tạm trú tại đường Hà Huy Giáp, quận 12), tài xế chiếc xe 3 bánh, phân trần: “Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cần xe nhỏ để len lỏi được trên nhiều tuyến đường, nhưng yêu cầu mỗi chuyến phải chở được nhiều. Tụi tui buộc phải cơi nới thùng xe, mất thêm mấy triệu đồng, nên tranh thủ chạy ào ào”. Anh Hiếu cũng thừa nhận, từng chứng kiến nhiều “đồng nghiệp” va quẹt, gây tai nạn chết người. Đơn cử như mới đây, bé gái T.H.K. (13 tuổi, trọ cùng gia đình ở huyện Củ Chi) đang lưu thông trên đường Trần Văn Chẩm (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) bị xe 3 bánh chở cửa cuốn và sắt thép va chạm, khiến bé tử vong tại chỗ…

Ghi nhận cho thấy, không ít người dân bức xúc vì hàng ngày ra đường nơm nớp xe ba gác, xe 3 bánh độ chế chở đầy sắt thép, tôn cuộn, ve chai, xà bần… chạy ầm ầm, gây tắc đường. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, từ các vụ tai nạn do xe 3-4 bánh tự chế thời gian qua, cho thấy sự nguy hiểm, mất ATGT của loại phương tiện này. Vừa qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện 3-4 bánh tự chế đang hoạt động trên địa bàn. Từ đó, báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, hiện tại, các loại phương tiện này vẫn nghênh ngang ngoài phố! 

Phải kiên quyết chấn chỉnh

Cùng với xe 3 bánh, ba gác máy tự chế, hiện loại xe máy 3 bánh gắn thùng phía sau cũng đang nở rộ. Thị trường loại xe này sẵn sàng cung cấp ở nhiều quận huyện, tỉnh thành. Trong vai người cần mua xe 3 bánh, phóng viên Báo SGGP đã tiếp cận một số cơ sở ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM. Ông T.K.L, chủ một cơ sở, cho biết: “Mua xe 3 bánh cứ liên hệ các doanh nghiệp hay xưởng đóng thùng xe. Giá chỉ khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, các xe đều gắn biển số ngoại tỉnh chứ không phải TPHCM nên giấy tờ đăng ký… mập mờ”. Theo ông T.K.L., xe có giấy tờ nhưng là giấy tờ photocopy của chiếc xe khác đã bị loại bỏ do quá cũ, “trong nghề” gọi là giấy xe “mẹ bồng con”. 

Xe  “mẹ bồng con” là loại xe không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, nên nhiều tài xế cho biết, biển số xe đều mang biển Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Tháp… Nhiều phương tiện biển số bị mờ, bẻ cong và thậm chí không có biển số. Trung tá Đỗ Trung Dung, Đội trưởng Đội Đăng ký xe 282, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM, cho biết: “Từ ngày 1-1-2008, ô tô đã hết niên hạn sử dụng; xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh bị đình chỉ lưu hành; tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ các trường hợp vi phạm... Đồng thời, tạm dừng đăng ký mới các loại phương tiện 3-4 bánh tự chế. Từ đó đến nay, chúng tôi không giải quyết bất kỳ trường hợp nào”. Một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm phương tiện ở quốc lộ 13, quận Thủ Đức cũng cho biết, từ năm 2008 đã không tiếp nhận đăng kiểm phương tiện 3 bánh gắn máy.

Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, UBND TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3-4 bánh tự chế và chi khoảng 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TPHCM vẫn có hàng ngàn phương tiện 3 bánh gắn máy hoạt động mỗi ngày! Điều này cho thấy, các cơ quan thực thi, cụ thể là CSGT, Sở GTVT đã làm chưa hết trách nhiệm được giao, khiến người dân thành phố vẫn rất bất an khi lưu thông cùng các loại xe này mỗi ngày trên đường.

Nghị quyết 32/NQ-CP ban hành ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3-4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Tại khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Ngoài ra, theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, hành vi điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông thì ngoài bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện… Như vậy, cơ sở pháp lý, chế tài đã khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện không nghiêm nên hơn 10 năm qua, việc hạn chế các phương tiện xe 3-4 bánh tự chế, xe máy gắn thùng chưa đi đến đâu. 

                                        Luật sư Đào Xuân Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM

Tin cùng chuyên mục