
Họ là những người nông dân bình dị đi lên bằng chính đôi tay và sức lực của mình. Đến khi thành đạt, bằng kinh nghiệm của bản thân, họ tiếp tục chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, giúp những người này có điều kiện vươn lên. Không chỉ thế, họ còn tích cực tham gia các công tác từ thiện tại địa phương vì hạnh phúc cộng đồng…
Giúp nhau cần câu cơm

Ông Hồ Minh Huệ cùng cụ Nguyễn Văn Chánh, bên căn nhà tình thương do ông Huệ và bà con xây dựng cho cụ Chánh. Ảnh: VĂN THI
Chúng tôi ghé ao cá của ông Ba Thính (tên thật là Nguyễn Văn Thính) ở ấp 3 xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn (TPHCM) trong cái nắng chang chang. Trời đã gần trưa nhưng ông vẫn lụi hụi một mình ngồi lặt từng cọng rau muống chuẩn bị cho cá ăn đúng bữa.
Ra hiệu mời chúng tôi ngồi ghế, ông bứt vội bó rau muống thả xuống ao, lũ cá nhào lên đớp rào rào, bọt sủi trắng cả một vùng nước.
Hỏi thăm về công việc, ông Ba vui vẻ giới thiệu khu vực sản xuất, kinh doanh của gia đình ông gồm một ao cá diện tích hơn 4.000m², khu trại nuôi heo 250m² và khoảnh đất dài hàng trăm mét chạy bọc theo bờ ao trồng các loại cây mít, xoài, chuối, rau...
Ao cá của ông Ba Thính nuôi 3 loại cá “chủ lực” là rô phi, chim và cá chép với hơn 50 ngàn con. Cứ 6 tháng ông thu hoạch một lần, trung bình khoảng 5 tấn cá, trừ hết chi phí còn lời hơn 20 chục triệu đồng.
Bầy heo của ông Ba cũng khá “hùng hậu” với 10 con heo nái và 60 con heo thịt, mỗi năm mang lại cho gia đình ông từ 30-40 triệu đồng tiền lời. Năm 2008 vừa qua, ông Ba Thính đã nhận được bằng khen “Hộ nông dân sản xuất giỏi, thành đạt” do UBND TPHCM trao tặng.
Không chỉ lao động giỏi, ông Ba Thính còn rất quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng, của những người nông dân nghèo. Tại các hội nghị bàn về kỹ thuật nuôi, trồng của nông dân tại địa phương, ông Ba tham gia rất hăng hái. Ông thẳng thắn chia sẻ với mọi người kinh nghiệm sản xuất của mình trong lĩnh vực chăn nuôi để mọi người học tập.
Đối với những hộ nông dân nghèo, thiếu vốn, ông mạnh dạn cho họ vay tiền mua giống, mua phương tiện sản xuất, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mà không lấy một đồng lời nào. Khá nhiều nông dân và người nghèo được ông Ba giúp đỡ đã thành công.
Dịp Tết Nguyên đán 2009 vừa qua, ông Ba Thính còn trích tiền mua tặng gia đình bà Nguyễn Thị So, ngụ cùng ấp, có hoàn cảnh quá khó khăn một chiếc ti vi để đón xuân. Ông tâm sự: “Mình giúp người như giúp chính mình, tôi không nghĩ đến chuyện phải nhận lại được gì”.
Cưu mang người nghèo
Cũng giỏi giang như ông Ba Thính, nhưng ông Hồ Minh Huệ ở tổ 12, khu phố 3B phường Thạnh Lộc (Q12 TPHCM) đi lên từ nghề nuôi trăn, ba ba.
Như bao nông dân khác, ông Huệ cũng trải qua khá nhiều thăng trầm. Trồng hoa lài không thành công do nguồn nước bị ô nhiễm, ông quyết định thử vận may với con trăn, con ba ba. Do non kinh nghiệm, ba ba ông nuôi hay bị mắc chứng bệnh thủy mi (ghẻ), cứ chết dần. Cũng may ông còn có con trăn, kiên trì nghiên cứu học hỏi, cuối cùng ông cũng thành công.
Hiện tại, đàn trăn nái hơn 70 con của ông Huệ mang lại cho gia đình nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng sau mỗi đợt thu hoạch. Năm 2003 ông Hồ Minh Huệ vinh dự được UBND TPHCM trao tặng bằng khen “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Ông Huệ cho chúng tôi biết thêm, sắp tới ông sẽ thả lại ba ba giống.
Người dân địa phương không chỉ biết ông Huệ là người nuôi trăn giỏi mà còn là một mạnh thường quân quen thuộc, gần gũi của người nghèo. Việc ông vừa trích tiền túi, vừa vận động bà con khu phố đóng góp, để giúp anh công nhân nghèo ở trọ có tiền đưa thi thể cha mình về quê an táng, được nhiều người ghi nhớ.
“Ông già đó ở Tây Ninh vừa lên thăm con chưa được một ngày thì đột quỵ chết tại phòng trọ” - ông Huệ kể. Cùng với chính quyền địa phương, ông Huệ vận động xây dựng 4 căn nhà tình thương cho 4 trường hợp đặc biệt khó khăn về nhà ở trong phường.
Ông Huệ dẫn chúng tôi sang thăm cụ Nguyễn Văn Chánh (82 tuổi) sống cách đó vài chục mét. Căn nhà gỗ lợp tôn 20m² khang trang mà cụ Chánh đang ở được xây dựng bằng chính tiền vận động của ông Huệ và bà con. Cụ Chánh xúc động nói với chúng tôi: “Tôi không thể nói hết lòng biết ơn đối với ông Huệ. Có được một chỗ ở đàng hoàng những ngày cuối đời là nhờ ổng giúp đỡ”.
Chúng tôi thầm mong sao xã hội sẽ ngày càng có thêm nhiều nông dân giỏi, giàu lòng nhân ái như ông Ba Thính, ông Huệ để những nông dân có hoàn cảnh khó khăn, những người nghèo vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Mai Nguyễn