Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Cùng với cả nước, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang tất bật việc đồng áng, chăm sóc vườn cây ăn trái để kịp thu hoạch dịp tết. Từ phố thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy hình ảnh công nhân, nông dân chỉnh trang phố xá, quét dọn nhà cửa chuẩn bị đón xuân về.
Lo tết cho mọi nhà
Tết này, hơn 50 hộ nghèo ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ chính thức đón tết trong ngôi nhà mới. Mừng ra nước mắt, ông Nguyễn Văn Nam (phường Phú Thứ, quận Cái Răng) xúc động: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương, tôi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, ngoài ra còn được bảo lãnh vay ưu đãi 9 triệu đồng để trồng cây ăn trái, hoa màu trên diện tích 3.000m², thu nhập đủ sống hàng ngày”. Niềm vui ấy không riêng của ông Nam, thời điểm cuối năm, nhiều hoạt động giúp người nghèo ổn định cuộc sống để vui đón năm mới càng diễn ra khẩn trương hơn, tất cả vì một mùa xuân an vui, hạnh phúc, ấm áp nghĩa tình.
Tại Cà Mau, ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Cà Mau thành lập nhiều đoàn thăm, chúc tết, tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo”. Theo đó, có gần 1 triệu phần quà cho các đối tượng chính sách, mỗi suất trị giá từ 300.000-600.000 đồng. Không chỉ lo cho bà con vui xuân đón tết, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Vui tết nhưng địa phương vẫn tất bật chuẩn bị cho vụ tôm mới năm 2013 theo hướng giúp nông dân khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại như vụ vừa qua.
Tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Lãnh đạo tỉnh chủ trương đón tết tiết kiệm, dành ngân sách hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình chính sách đón tết đầm ấm, yên vui. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp quyết định chi ngân sách hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ 88.127 người thuộc gia đình chính sách, nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, hỗ trợ người nghèo ăn tết ở mỗi huyện, thị xã, thành phố 100 triệu đồng. Ngoài ra, các địa phương đã vận động được hơn 11,2 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ 100.000 - 250.000 đồng.
Tết này, người dân Bến Tre có niềm vui mới. Ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: “Việc đưa vào sử dụng hàng chục công trình dân sinh xã hội ở địa phương đã giúp bà con yên tâm đón năm mới”. Đó là khánh thành Cầu Bến Tre 1, đường tỉnh 887, cầu Phong Nẫm và hàng chục kilômét đường giao thông nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Tại Bạc Liêu, ngoài chủ trương lo tết cho người nghèo, hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Bằng sự huy động các nguồn vận động hỗ trợ tết cho người nghèo, các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm trong tỉnh còn có những việc làm thiết thực như tổ chức 67 đoàn đi thăm và tặng hàng ngàn suất quà động viên hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ được vui xuân đón tết.
Sản xuất nông nghiệp: Trong mừng có lo
Trong những ngày giáp tết, giá các mặt hàng nông sản như hoa kiểng, cây ăn trái, dưa hấu, bưởi Năm Roi… tăng mạnh khiến nông dân rất hồ hởi.
Tại Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, Tiền Giang) nông dân đang thu hoạch khóm, khoai mỡ... giá cả đều tăng mạnh, nông dân lãi khá nên rất phấn khởi. Cụ thể, giá khóm trong những ngày qua đứng ở mức cao từ 3.700 đồng - 4.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước gần 1.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, mỗi ha khóm thâm canh tại Tân Phước cho giá trị sản xuất từ 70 đến 80 triệu đồng/ha.
Ông Hà Văn Bảy, một nông dân sản xuất giỏi chuyên canh 4ha khóm tại xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) đánh giá, do khóm bắt đầu vào vụ nghịch nên khả năng đến Tết Nguyên đán vẫn giữ mức giá cao như hiện nay bởi nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu trước, trong và sau tết còn rất lớn. Tương tự, giá khoai mỡ đầu vụ cũng đang đứng ở mức cao. Thương lái thu mua 13.000 - 15.000 đồng/kg. Năng suất khoai mỡ đạt 12 tấn/ha bình quân nên giá trị sản xuất mỗi ha đạt từ 150 triệu đồng trở lên. Đây cũng là năm khoai mỡ có giá cao nhất từ trước đến nay.
Lúa gạo và thủy sản là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL, năm 2012 đã mang về cho quốc gia hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, tình trạng sản xuất bấp bênh khiến nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Khắc Phục nuôi cá tra chuyên nghiệp ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Mấy tháng nay giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 20.000- 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Ngay cả hiện nay đã gần đến tết vậy mà giá cá không hề thay đổi”.
Năm qua, ông Phục thả nuôi hơn 3.000 tấn cá tra nguyên liệu; mặc dù tỷ lệ hao hụt thấp, cộng với nguồn vốn tự có không phải đi vay “nóng” nhưng tết này cả nhà tiết kiệm không dám chi tiêu nhiều vì phải còn tính toán để tái sản xuất trong năm 2013. Trong khi đó, lúa đông xuân dù đang được mùa sớm nhưng đã có dấu hiệu ùn ứ.
Dọc theo cánh đồng lúa đông xuân sớm đang chín rộ ở vùng Tứ giác Long Xuyên, ông Sáu Đức, chủ 80ha lúa ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết: “Vụ lúa đông xuân này không có lũ, thời tiết bất lợi nên năng suất giảm gần 1 tấn lúa/ha. Đã vậy, giá lúa đông xuân sớm thu hoạch trước tết đang ở mức thấp và có chiều hướng giảm. Hiện giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.300 đồng/kg, lúa dài chất lượng cao 4.400 đồng/kg (tại ruộng) nhưng thương lái ngại mua”.
Theo các chuyên gia, ổn định tình hình sản xuất, nhất là với 2 mặt hàng chủ lực lúa gạo và thủy sản là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Theo đó, trong năm 2013, ngành thủy sản phải giải quyết ba vấn đề: Ổn định nguồn nguyên liệu; quy hoạch chung vùng nuôi để bảo đảm nguồn và chất lượng nguyên liệu; nhập khẩu nguyên liệu bảo đảm công suất chế biến trong nước.
Về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trên nền thành công của năm 2012, cần sớm triển khai các giải pháp về tạm trữ, mở rộng thị trường, đảm bảo cho nông dân được mùa, được giá. Hy vọng với sự quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ và các tỉnh, thành trong khu vực, nông dân ĐBSCL sẽ đón một cái tết đầm ấm, yên vui.
| |
A.BÌNH - B.ĐẠI