Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá

Mít Thái, xoài Đài Loan, khóm… ở ĐBSCL kéo nhau rớt giá khiến hàng loạt hộ dân rơi vào cảnh khốn khó vì thua lỗ. 

Chiều 3-6, ông Mai Nguyễn Nam Phương (chủ vựa mít Thái ở ấp 5, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mít Thái rớt giá không phải lần đầu tiên, tuy nhiên đợt này giá rớt nhiều quá.

Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa khi qua lại các cửa khẩu khó khăn, trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mít Thái nhưng khó xuất khẩu; từ đó dẫn đến cung vượt cầu nên rớt giá.  

Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá ảnh 1 Nông dân trồng mít Thái ở Tiền Giang gặp khó khăn do rớt giá . Ảnh: NGỌC PHÚC 

Nhiều nông dân cho biết: “Hiện nay mít Thái loại 1 (từ 10 kg/trái trở lên) giá chỉ còn khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg, còn mít Thái mua sô chỉ 3.000 – 4.000 đồng/kg… thấp hơn rất nhiều so với các năm trước; trong đó thời điểm tháng 9-2020 giá mít Thái loại 1 lên đến 50.000- 60.000 đồng/kg, bởi lúc đó thị trường Trung Quốc ăn hàng khá mạnh”.

Theo ông Mai Nguyễn Nam Phương, ngoài việc giảm giá, hiện nay việc tiêu thụ mít Thái rất chậm, vựa của ông chỉ cung ứng cho xuất khẩu mỗi ngày 1 container, trong khi các mùa trước mỗi ngày xuất gần cả chục container.  

Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá ảnh 2 Thương lái thu mua mít sô chỉ có 3.000- 4.000 đồng/kg, thấp hơn chi phí giá thành sản xuất. Ảnh: NGUYỄN THANH 

Tại Hậu Giang, có khoảng 6.000ha mít Thái được trồng ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp… nông dân cũng thua lỗ. Nhiều nông dân cho rằng, do hiện nay mít Thái giảm giá và tiêu thụ chậm, nên thương lái đa phần mua theo giá mít sô chỉ 3.000- 4.000 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành để sản xuất mít từ 6.000- 7.000 đồng/kg, khiến nông dân lỗ trắng tay.

Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá ảnh 3 Những lúc xuất khẩu hút hàng, giá cao... nông dân trồng mít Thái có thu nhập 400- 600 triệu đồng/ha/năm

Những năm mít Thái xuất khẩu thuận lợi, hút hàng, được giá, nông dân có thu nhập khoảng 400 – 600 triệu đồng/ha/năm. Đây được xem là loại cây triển vọng nên mấy năm nay diện tích tăng rất nhanh, ở ĐBSCL mít đã vượt mức 30.000 ha.

Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá ảnh 4 Diện tích mít Thái ở ĐBSCL mấy năm nay tăng cao. Ảnh: NGUYỄN THANH 

Cái khó là giá mít Thái lên xuống thất thường, không ổn định, bởi phụ thuộc lớn vào sức “ăn hàng” mạnh hay yếu của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, đa phần nông dân trồng mít Thái chưa có sự liên kết nhiều về đầu ra với doanh nghiệp, nên việc tiêu thụ thiếu ổn định…

Nông dân thua lỗ vì nhiều loại trái cây rớt giá ảnh 5 Khóm  cũng rớt giá mạnh, do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: NGUYỄN THANH

Không chỉ mít Thái rớt giá, hiện nay nhiều hộ trồng khóm ở Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… cũng gặp khó khi giá rớt xuống mức có 5.000 đồng/trái (1 trái từ 1kg trở lên), trong khi khoảng 2 tuần trước giá khóm từ 10.000- 12.000 đồng/trái. Đối với nhiều nông dân trồng xoài năm nay cũng gặp khó; đặc biệt là xoài Đài Loan giá giảm chỉ còn 3.000- 5.000 đồng/kg, bởi xuất khẩu gặp khó khăn. 

Tin cùng chuyên mục