Nông lâm thủy sản: Sản lượng cao, xuất thô, giá trị thấp

Theo các chuyên gia, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng hơn 10 năm qua, nhiều mặt hàng như cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, đồ gỗ… vào nhóm xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng tăng trưởng lại chủ yếu nhờ tăng quy mô, sản lượng; nhiều sản phẩm vẫn xuất thô, nhất là cà phê.
Những vườn cà phê năng suất cao tại tỉnh Đắk Lắk
Những vườn cà phê năng suất cao tại tỉnh Đắk Lắk

Hàng thô, giá rẻ

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước trồng khoảng 710.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Hàng năm, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam rất lớn, chẳng hạn như năm 2022 xuất khẩu trên 1,78 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD (vượt cả lúa gạo). Thế nhưng, theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu rất thấp, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài. Đơn cử, tại tỉnh Gia Lai, nơi đang có khoảng 99.000ha cà phê, trong đó hơn một nửa đã chuyển sang trồng theo các tiêu chuẩn 4C (giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường), organic (hữu cơ) để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao… Nhưng theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, do số lượng nhà máy chế biến còn quá ít và nhỏ lẻ (cả tỉnh có khoảng 80 nhà máy và cơ sở chế biến) nên tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 5%-6%, còn lại là xuất thô. Tỉnh Đắk Nông với gần 140.000ha cà phê cũng tương tự.

Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế cho rằng, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) về xuất khẩu cà phê nhưng rất ít doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để cà phê Việt Nam góp mặt vào 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, làm ra nhiều mà xuất khẩu thô là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp Việt, nhất là người trồng cà phê. Thiệt thòi trước hết là giá bán thấp, không đạt lợi nhuận như mong đợi. Cụ thể, nếu xuất khẩu thô (cà phê nhân) thì giá bán chỉ được khoảng 2.400 USD/tấn, trong khi giá bán 1 tấn cà phê chế biến trung bình lên tới 3.600 USD; chưa kể chi phí vận chuyển cà phê nhân cao hơn.

Giá trị chưa tương xứng

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong số 10% sản lượng cà phê Việt Nam được dùng để chế biến sâu (với các sản phẩm như rang xay, bột, hòa tan…) thì chủ yếu bán ở thị trường nội địa, 90% sản lượng cà phê thô còn lại là xuất khẩu, thậm chí có thể trở thành nguyên liệu của nhiều nước để chế biến sâu và tái xuất trở lại Việt Nam tiêu thụ. Nghịch lý ở chỗ, trong khi chúng ta xuất cà phê thô, không có thương hiệu thì nhiều doanh nghiệp lại đang nhập cà phê đã chế biến (chủ yếu ở dạng rang xay, pha sẵn) về để tiêu thụ. Người tiêu dùng Việt đang phải trả mỗi cốc cà phê với giá 2-3 USD, tương đương 1-2kg cà phê mà doanh nghiệp thu mua của nông dân ở dạng nguyên liệu thô. Rõ ràng, các doanh nghiệp ở nước ngoài đang hưởng lợi lớn từ chính nông sản Việt Nam nhờ đầu tư hàm lượng chất xám, công nghệ chế biến sâu.

Từ thực tế nghịch lý của nông sản, ông Đinh Vĩnh Cường cho rằng, các doanh nghiệp không nên xuất khẩu thô nữa mà cần đầu tư cho chế biến sâu, theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu, bảo hộ và đầu tư sản xuất sạch để nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, mỗi năm cả thế giới chi khoảng 500 tỷ USD tiêu dùng cà phê, Việt Nam đang cung ứng khoảng 19% sản lượng cho thế giới, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê mỗi năm mới đạt 3,5-4 tỷ USD, cho thấy giá trị thương mại quá ít so với sản lượng xuất khẩu (cả thế giới chỉ có 9 triệu tấn nhưng riêng Việt Nam xuất khẩu năm 2022 là 1,7 triệu tấn).

Đề cập vấn đề giá trị và thương hiệu cà phê Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mỗi khi ra nước ngoài, ông đều mang theo cà phê Việt Nam để dùng vì chất lượng ngon hơn hẳn cà phê các nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhất trí với giải pháp đẩy mạnh chế biến sâu để gia tăng giá trị xuất khẩu. “Nếu muốn tăng giá trị lên 5-10 lần thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp cho họ sản phẩm phù hợp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Phải tiến mạnh vào những khâu tạo ra giá trị

Lâu nay trong chuỗi giá trị, khâu có lợi nhuận thấp nhất chính là sản xuất, nhưng chúng ta chỉ tập trung vào khâu này. Theo phân tích của châu Âu, giá trị của khâu sản xuất chỉ chiếm khoảng 12%-13% tổng giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở các khâu khác, bao gồm chế biến, thương hiệu, thương mại... Bây giờ chúng ta phải đưa nông nghiệp tiến mạnh ở những khâu đó.

Khi tôi còn làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cách đây khoảng 10 năm có nhà khoa học tính là nếu tổng giá trị các sản phẩm cà phê đến tay người tiêu dùng khoảng 100 tỷ USD thì tổng giá trị của người trồng cà phê các nước trên thế giới chỉ được không quá 15 tỷ USD. Như thế, 85 tỷ USD rơi vào tay “người khác” - ở các nước không thể trồng được cây cà phê. Trong chuỗi giá trị của thị trường nông sản thế giới, lâu nay chúng ta vẫn đang cố gắng làm để bán và cũng đã cố gắng vươn lên để xâm nhập những thị trường có giá trị cao. Nhưng để xâm nhập vào các thị trường này (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…) thì chúng ta cần phải tạo ra một giá trị khác cho nông sản, không chỉ chất lượng mà còn có cả giá trị văn hóa, xã hội và đặc biệt là môi trường phát triển bền vững.

TS NGÔ XUÂN NAM, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam: Nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao

Từ năm 2007, khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu vào hầu hết thị trường trên thế giới với 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhóm đầu thị trường là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Malaysia, châu Âu…

Các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 6 thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam cũng vào nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Các sản phẩm có nguồn gốc động vật khác cũng được xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ (mật ong); châu Âu (mật ong, lông vũ); Nhật Bản (thịt gà chế biến, trứng chim cút đóng lon); Trung Quốc (dầu cá, bột cá, yến sào, lông vũ, sữa...); khu vực Đông Nam Á bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines (trứng gia cầm, sữa); Hàn Quốc (gà qua giết mổ, thịt tiệt trùng); Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan (gà đã qua chế biến)… Tuy nhiên, để nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn, mở rộng thị trường hơn, đòi hỏi cần nâng cao chất lượng, mẫu mã, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước.

VĂN PHÚC - THANH HẢI ghi

Tin cùng chuyên mục