Nông nghiệp nổi đang hồi sinh ở Bangladesh

Anh Mohammad Mostafa là một trong những nông dân sống ở vùng đồng bằng trũng phía Tây Nam Bangladesh, đang cùng với cộng đồng hồi sinh phương thức canh tác của tổ tiên để lại, đó là trồng hoa màu trên bè nổi.
Anh Mohammad Ibrahim đang tưới tiêu hoa màu trên bè nổi của mình Ảnh: Reuters
Anh Mohammad Ibrahim đang tưới tiêu hoa màu trên bè nổi của mình Ảnh: Reuters

Kỹ thuật trồng hoa màu trên bè nổi có cách đây 200 năm. Ban đầu, kỹ thuật này được nông dân trong vùng áp dụng trong mùa nước nổi, kéo dài khoảng 5 tháng mỗi năm. Nhưng dưới tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngày nay đất canh tác ngày càng bị ngập sâu hơn và chìm dưới nước lâu hơn, từ 8-10 tháng.

Bangladesh nằm ở vùng trũng thấp và được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu, chịu tác động nặng nề của bão, lũ lụt, xói mòn và mực nước dâng lên... Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2021 do tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch công bố, từ năm 2000-2019, Bangladesh được xếp hạng thứ 7 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết: “Vì là đồng bằng lớn nhất thế giới nên phần lớn diện tích Bangladesh thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt, đặc biệt là lũ quét, cùng với xói mòn”.

Bangladesh cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn lốc xoáy từ vịnh Bengal, trong khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến lượng mưa ngày càng thất thường. Hơn 1/4 của dân số 165 triệu người Bangladesh hiện đang sống ở vùng ven biển. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2019, nước biển dâng cao cùng với xói mòn bờ biển có thể khiến Bangladesh mất 17% diện tích đất liền và 30% sản lượng lương thực vào năm 2050.

Trước tình trạng ngập úng kéo dài gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các gia đình tự cung tự cấp thực phẩm, nhiều người đã chuyển sang sử dụng bè làm giàn an toàn để trồng rau và trái cây, như dưa chuột, củ cải, đu đủ và cà chua... Những chiếc bè được đan bằng thân cây lục bình đang là cứu cánh cho các gia đình trong mùa gió chướng ngày càng khắc nghiệt, đất đai canh tác không thể khô ráo như trước.

Anh Mostafa, 42 tuổi, cho biết kỹ thuật canh tác cổ xưa này đã giúp gia đình anh và nhiều gia đình khác kiếm sống trên những luống nổi, như cách mà cha ông của anh đã từng sinh sống. Mostafa là trụ cột trong gia đình 6 thành viên. Sau một thời gian bán trái cây rồi lâm vào cảnh nợ nần, anh đã thử vận may với nghề nông trên bè nổi này cách đây 5 năm và đã tạo nên sự khác biệt lớn cho cuộc đời anh. Điều hướng một chiếc bè nổi với rau củ dọc theo một trong vô số tuyến đường thủy của đất nước, Mostafa cho biết, giờ đây anh có thể nuôi cả gia đình mình mà không cần yêu cầu sự giúp đỡ từ ai nữa.

Hiện đã có 6.000 nông dân sinh sống trên vùng đầm lầy ở phía Tây Nam Bangladesh đang áp dụng phương thức canh tác trên bè. Huyện Pirojpur thuộc vùng Barisal có 157ha bè nổi, huyện Nazirpur có 120ha, mở rộng từ 80ha cách đây 5 năm. Tuy nhiên, lợi nhuận đang bị thu hẹp khi chi phí tăng lên do lạm phát. Nếu như năm ngoái, để mua khoảng 1,2 tấn lục bình đan thành những chiếc bè với chi phí bỏ ra là 1.000 taka (gần 10 USD), thì năm nay chi phí lên đến khoảng 4.500 taka (43 USD). Để kết một chiếc bè dài khoảng 6m và rộng 1m thường phải mất 2 tháng và sau 3-4 tháng sử dụng thì phải thay mới.

Mặc dù vậy, trao đổi với hãng tin Reuters, ông Digbijoy Hazra, một quan chức nông nghiệp ở 2 huyện trên xác định, cách thức canh tác trên luống nổi này đòi hỏi ít không gian hơn so với canh tác thông thường và không cần thuốc trừ sâu. Thậm chí theo ông, khi chúng ta đang chiến đấu chống lại tác động của sự nóng lên toàn cầu, thì nông nghiệp nổi có thể sẽ là mô hình nông nghiệp tương lai.

Tin cùng chuyên mục