Nông nghiệp xanh, tuần hoàn là tất yếu để nông sản Việt vươn xa

Sáng 26-5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 diễn ra hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”.

Chủ đề được quan tâm thảo luận nhiều nhất là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn để nông sản Việt có đủ tiêu chuẩn vươn xa trên thị trường quốc tế.

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp cho biết, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trong đó các sản phẩm, phế phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến, hạn chế tối đa lượng chất thải. Hiện nay phụ phẩm từ nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất nhưng chỉ riêng ngành thủy sản thu gom sử dụng gần như toàn bộ các phụ phẩm.

TS Hạ Thúy Hạnh nêu một số mô hình kinh tế tuần hoàn như liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị, sản xuất rau theo hướng hữu cơ, thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, chăn nuôi hữu cơ, nuôi tôm sú – lúa, tôm sú – rừng ngập mặn… với giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với mô hình thông thường. Người nông dân tham gia các chương trình này có thu nhập tốt. Một số mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu như kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh, hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20%; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, phát triển cánh đồng mẫu lớn, mô hình vườn – ao – chuồng hạn chế chất thải cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt.

Hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu

Hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu

Chia sẻ câu chuyện xuất khẩu thành công nhiều loại nông sản sang thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group cho biết con đường xây dựng thương hiệu vô cùng chông gai.

Ông Tùng nhận xét, để xây dựng được thương hiệu mạnh thì chất lượng sản phẩm là cốt lõi. Chẳng hạn, năm 2017, khi đưa dừa Bến Tre sang thị trường Mỹ, cạnh tranh được với dừa Thái Lan, công ty đã nghiên cứu và biết được rằng trước đây nhiều doanh nghiệp đã đưa dừa sang bán nhưng không thành công. Lý do là họ chạy theo yếu tố giá, nên chọn những giống dừa giá rẻ chứ không ưu tiên chất lượng cao nhất, từ đó khiến người tiêu dùng ác cảm. Đặc biệt, truyền thông trong nước chưa hỗ trợ đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa nông sản ra thế giới. Chẳng hạn như ở Thái Lan, khi gạo Thái đạt giải gạo ngon nhất thế giới, đích thân vua Thái Lan đã quảng bá, kêu gọi sử dụng và tuyên bố sẽ cung cấp khắp thế giới sản phẩm này...

Theo thống kê, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt 23 tỷ USD, trong đó có một số nhóm ngành đạt trên 3 tỷ USD như cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều.

Dẫn các thông tin về việc xuất khẩu qua “chợ online”, TS Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) khẳng định, kinh doanh trực tuyến không chỉ là nhỏ lẻ, mà “nền kinh tế mới nằm trên online”. Ông cho biết tới đây AMCHAM sẽ cùng Sở Công thương đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, “nắm tay” doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp trong nước bày tỏ rất quan tâm trước chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ AMCHAM Đoàn Hữu Đức về việc áp dụng Fintech vào nông nghiệp, giúp nông dân làm doanh nhân.

Tin cùng chuyên mục