Nông sản lại rớt giá vì thiếu thông tin thị trường

Trong những tháng đầu năm 2017, điệp khúc được mùa mất giá lại tiếp tục xảy ra với một số mặt hàng nông sản Việt. 
Hàng loạt chiến dịch giải cứu chuối, dưa hấu... được các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân và đoàn thể cùng chung tay tham gia hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm giúp nông dân.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 385ha chuối già xuất khẩu, tập trung ở các huyện Tân Biên, Trảng Bàng, Tân Châu. Trong đó, chỉ có 180ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, còn hơn 200ha tự phát, không ký được hợp đồng. Tại Đồng Nai, nhiều hộ bỏ chuối tại vườn không thu hoạch do giá chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg cũng khó bán và nếu bán được thì không đủ trả cho công thu hoạch. Tại Quảng Ngãi và Trà Vinh nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng do dưa hấu rớt giá thảm, có nơi giá chỉ 2.000 đồng/kg.
Nông sản lại rớt giá vì thiếu thông tin thị trường ảnh 1 Cán bộ Hội LHTN tỉnh Đồng Nai tham gia chiến dịch “Chuối nghĩa tình”, giúp nông dân bán chuối già vào tháng 3-2017.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, hàng hóa nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Người sản xuất thường bị ép giá ở mức thấp nhất, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao, lợi ích chảy hết vào túi thương lái. Việc nắm không rõ thông tin về thị trường cũng là nguyên nhân dễ thấy nhất dẫn tới tình trạng nói trên. Thực tế, lâu nay nền nông nghiệp nước ta sản xuất không theo nhu cầu thị trường; nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu. Tình trạng này không dễ để khắc phục trong ngày một ngày hai. Về lâu dài, sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân dưới hình thức các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp với những hợp đồng làm ăn bài bản là hướng đi tất yếu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từng hộ nông dân riêng lẻ sẽ không thể tính toán thị trường được. Các bộ, ngành chức năng của Nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cần phải vào cuộc, tính toán và cung cấp thông tin nhu cầu thị trường để khuyến cáo, đánh giá giúp nông dân. Bên cạnh đó, hướng tới việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp cần phải sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap... đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ các nhà phân phối lớn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tin cùng chuyên mục