
Cho tới lúc này, mặc dù đã nghỉ hưu được 7 năm nhưng NSND Đàm Liên vẫn chưa lúc nào rời xa ánh đèn sân khấu. Bà vẫn mải miết với những “sô” diễn liên tục từ Bắc chí Nam bằng các vai diễn quen thuộc. Việc ra mắt album tuồng truyền thống đầu tiên của Việt Nam “Nghệ thuật tuồng qua những vai diễn của NSND Đàm Liên” không chỉ là ghi lại những thành công rực rỡ trên con đường sự nghiệp của NSND Đàm Liên mà còn là minh chứng cho sức sống của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với NSND Đàm Liên, người được mệnh danh là “Bà chúa tuồng Việt Nam”.
* PV: Tuồng cùng nhiều môn nghệ thuật sân khấu truyền thống khác của Việt Nam như chèo, cải lương… đang lâm vào tình trạng thiếu khán giả trầm trọng. Vậy, việc chị cho ra đời một đĩa VCD về tuồng vào thời điểm này liệu có quá mạo hiểm?

NSND Đàm Liên trong một vai tuồng.
* NSND ĐÀM LIÊN: Đây là tâm huyết suốt 10 năm trời của tôi. Mục đích ra đĩa trước hết là giúp những người yêu tuồng Việt Nam có cơ hội dễ dàng được thưởng thức nghệ thuật này. Giúp khán giả hiểu và yêu thêm âm nhạc dân tộc, hiểu được cái Bi, cái Hùng... của nghệ thuật tuồng. Bên cạnh đó, tôi muốn đóng góp cho nghệ thuật dân tộc một tài liệu sinh động, giống như một giáo trình, giúp các thế hệ nghệ sĩ tuồng sau này có thể tìm hiểu, học hỏi về cách diễn, cách hát... để thêm yêu nghề chứ không nhằm vào kinh tế. Cũng đôi lúc tôi lo ngại rằng những môn nghệ thuật hiện đại xâm nhập và phát triển quá mạnh sẽ không còn “đất” cho tuồng. Tuy nhiên, khi tham gia vào chương trình “Đẹp fashion show” tôi tin chắc quyết định của mình là đúng. Nhiều người đã nghĩ đưa một tích trò đặc tính dân gian biểu diễn trên sâu khấu hiện đại sẽ tạo ra sự tương phản lố bịch, song tiết mục đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới trẻ. Điều đó chứng tỏ, khán giả và đặc biệt là lớp trẻ không quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống như nhiều người lầm tưởng.
* Một vở tuồng hoàn chỉnh cần rất nhiều diễn viên, song đây lại là VCD tuồng của riêng mình chị. Vậy, kết cấu kịch bản chắc hẳn có nhiều thay đổi?
* Đúng vậy, toàn bộ VCD không đi sâu vào việc dàn dựng một vở diễn. Đó là tổ hợp các tiết mục chọn lọc được tôi thể hiện thành công nhất trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình như trường đoạn: “Hề nghe tin dữ” dựa theo phim “Đêm hội Long Trì”, “Bà Nguyệt đi tu”, “Phương Cơ giả điên qua ải” hay “Bà huyện đánh ghen”…và không thể thiếu vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Bên cạnh những tích tuồng quen thuộc, có hai tích mới là “Hề nghe tin dữ” chủ yếu diễn câm, trong VCD tôi đã viết thêm lời hát để vở diễn sinh động hơn và tích “Bà Nguyệt đi tu”, một vở tuồng cổ, diễn theo lối cổ. Diễn tuồng càng cổ càng đời thường và cảm động.
Từ gần chục năm nay, lúc nào tôi cũng ấp ủ cho ra đời đứa con tinh thần này. Khi làm lại những trích đoạn trong album, tôi gần như vắt kiệt khả năng sáng tạo của mình. Tôi thấy mình như trẻ hơn, quên mất mình đang ở cái tuổi bên kia dốc của cuộc đời.
* Chị có biết được nguyên nhân vì sao không nhiều người nghe tuồng nhưng lại có nhiều người thích NSND Đàm Liên?
* Điều tôi quan tâm nhất là khán giả, biết khán giả của mình mê gì, thích gì, từ đó điều hòa nhân vật của mình. Tôi luôn chủ tâm diễn bằng tất cả con tim của mình, cảm xúc của mình, đặc biệt dồn mọi suy nghĩ, tâm hồn mình vào ánh mắt để lôi kéo, thu hút người xem. Bởi vì, đã là Nghệ sĩ nhân dân thì phải hòa vào nhân dân, thực sự vì nhân dân, của nhân dân. 40 năm theo tuồng, tôi chưa bao giờ thỏa mãn, lúc nào cũng băn khoăn, trăn trở, lúc nào cũng phải gồng mình lên làm việc, phấn đấu làm sao để không phụ tình yêu của công chúng dành cho mình.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
MAI AN thực hiện