NSND Trọng Khôi - Nụ cười đã tắt

Sáng 14-3, sau một thời gian dài vật lộn với bệnh tật, NSND Trọng Khôi (ảnh), cánh chim đầu đàn của kịch nghệ Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng. Gần đây, bệnh tật đã nhiều lần bắt ông đứng giữa lằn ranh sống – chết. Thế nhưng, khi nhận được hung tin từ gia đình, ai cũng cảm thấy bàng hoàng, mất mát.
NSND Trọng Khôi - Nụ cười đã tắt

Sáng 14-3, sau một thời gian dài vật lộn với bệnh tật, NSND Trọng Khôi (ảnh), cánh chim đầu đàn của kịch nghệ Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng. Gần đây, bệnh tật đã nhiều lần bắt ông đứng giữa lằn ranh sống – chết. Thế nhưng, khi nhận được hung tin từ gia đình, ai cũng cảm thấy bàng hoàng, mất mát.

NSND Doãn Châu, người bạn đã sát cánh cùng ông từ khi hai người còn học tại trường sân khấu nghệ thuật rồi sau đó như hình với bóng khi trên sân khấu, khi biết sự ra đi của NSND Trọng Khôi, không khỏi bàng hoàng. Ông nói: “Tuần trước mới vào thăm Khôi ở Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, vợ Khôi bảo anh khỏe rồi, chắc sắp được ra viện. Ấy vậy mà chỉ mấy ngày sau, Khôi đã đi thật xa”.

NSND Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 tại Hà Nội. Ông là con trưởng trong một gia đình 7 người con không ai theo ngành nghệ thuật, thế nhưng con đường nghệ sĩ dường như đối với ông là số phận. Ngay từ buổi cắp sách đến trường, Trọng Khôi đã được nhắm vào vai chính trong các vở kịch ở trường. Dần dà, cái duyên với nghề diễn cứ buộc ông lại với sân khấu. Tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật sân khấu năm 1963, từ năm 1964-1970, Trọng Khôi là diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam.

Sau đó, từ năm 1970-1972, ông được đề bạt làm Phó Đoàn biểu diễn Nhà hát Kịch Việt Nam. Đến năm 1972, ông làm trưởng đoàn biểu diễn. Ông không phải con nhà nòi nhưng ông may mắn vì đã được học hỏi ở những bậc thầy của làng sân khấu như nhà thơ Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức những kỹ thuật diễn để khán giả thấy ông diễn mà như không diễn.

Điều đó cũng lý giải tại sao cái tướng mạo phục phịch của ông chưa từng là rào cản trên sân khấu mà ngược lại, người xem thấy ở đó sự oai hùng của Ghê-ooc-ghi Đi mi trôp trong Đỏ và Nâu, cái vẻ chân chất của Hồn Trương Ba, da hàng thịt… Tung hoành trên sân khấu với những vai hiền, ác, người tốt, người xấu song có lẽ, điều khán giả dễ nhận thấy hơn cả là một Trọng Khôi với nụ cười Nghị Hách trong tác phẩm điện ảnh Giông tố của Nguyễn Mạnh Lãi. Từ dáng đi phục phịch, luôn núng nính với cái cười rất Nghị Hách không thể lẫn đi đâu được.

Khi được hỏi về cái giọng cười đặc thù ấy, NSND Trọng Khôi cười cười mà tâm sự rằng ông chẳng học đâu xa mà chính từ những con dê đực lúc nó be toáng lên ấy thôi. Nói là vậy, song nhiều người trong nghề vô cùng nể phục sự ham học hỏi ở nơi ông. Nhà ông nơi nào cũng đầy sách. Ông nói, đọc sách chính là con đường để người nghệ sĩ tìm thấy mỗi cái tôi trên sàn diễn. Ngẫm mà đúng, hàng trăm vai diễn ông tham gia dù lớn, dù nhỏ nhưng cũng đều mang dấu ấn riêng.

Hơn 40 năm dưới ánh đèn sân khấu và điện ảnh, NSND Trọng Khôi với những vai diễn để đời của ông như Vua Lia (trong vở Vua Lia), Trương Ba (trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt - đoạt danh hiệu diễn viên tài năng nhất của Liên hoan sân khấu quốc tế Mátxcơva - 1990), Nghị Hách (trong phim Giông tố), Tướng De Castries (trong vở Bài ca Điện Biên), vua Bảo Đại (trong Nhân chứng và Lịch sử)... đã trở thành những đỉnh cao trong nghệ thuật.

Hiếm ai có thể lao động chăm chỉ và quyết liệt với sân khấu như thế, NSND Doãn Châu xúc động nói: “Khôi cẩn trọng và chu toàn với vai diễn. Anh uất ức khi thấy ai đó diễn cẩu thả, làm việc phập phù trên sân khấu nhưng rồi anh cũng độ lượng, nhân từ với người ta ngoài đời, chẳng hơi đâu mà để bụng ghét ai. Chính Trọng Khôi là người khởi xướng ra Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 1 vào năm 2002, lần 2 năm 2006. Đó là những ngày hội thực sự của giới sân khấu”.

Ngoài ra, NSND Trọng Khôi còn tham gia dàn dựng nhiều vở diễn cho các nhà hát và các đoàn nghệ thuật khác, đồng thời tham gia giảng dạy, đào tạo diễn viên trẻ tại các trường cao đẳng, đại học sân khấu. Ông thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từ năm 2009 sau 2 nhiệm kỳ hoàn thành xuất sắc cương vị này.

Với những cống hiến không ngừng, năm 1989, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT và giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 2000, Nguyễn Trọng Khôi được phong tặng danh hiệu NSND và giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang công tác hội, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ITI Việt Nam (thành viên Viện Sân khấu quốc tế).

Tôi tin rằng NSND Trọng Khôi đang mỉm cười khi đã đi trọn được con đường nghệ thuật đầy hào quang của mình. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục