75 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề, gia tài lớn nhất của NSƯT - đạo diễn Đoàn Bá (ảnh), nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là quá trình ông làm việc, sáng tạo với trên dưới 300 vở diễn, trong đó có các tác phẩm sân khấu Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê-Đa, Hòn đảo thần Vệ Nữ, Thời con gái đã xa, Màu xanh mái tóc…; kịch Mẹ yêu, Người trong cõi nhớ... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ NSƯT Đoàn Bá, nghe ông chia sẻ tình cảm dành cho nghệ thuật.
* Phóng viên: Ông hãy chia sẻ một chút về việc dàn dựng “Vòng xoáy nghiệt ngã” - một vở kịch khá lạ, thể hiện những xung đột tâm lý trong một gia đình có người là đảng viên tốt và có cả đảng viên bị tha hóa?
* lNSƯT - đạo diễn Đoàn Bá: Nguyên bản tác phẩm này, Bích Ngân viết về những con người tham của, giành giật nhau một khối tài sản khá lớn, họ cứ rượt đuổi nhau để tranh giành quyền lợi. Nhưng để dựng trên sân khấu, tôi đã đề nghị Bích Ngân sửa lại: những đảng viên, cán bộ trong sạch phải chứng kiến sự tha hóa đạo đức ngay trong chính gia đình mình. Ông Ba Tài là một cán bộ cách mạng. 30 năm trước, ông được sự ủy nhiệm của ông Bảy Bá - một tư sản yêu nước, giữ 650 cây vàng để đóng góp cho cách mạng. Ba Tài đã chôn số vàng lớn ấy, chờ thời điểm thích hợp chuyển giao lại. Nhưng, ngay sau đó có trận càn, ông bị thương và mất trí nhớ. Mãi đến 30 năm sau, trí nhớ ông mới hồi phục. Trong khi ông kiên quyết tìm lại số vàng để nộp về cho kho bạc nhà nước thì vợ con ông lại không muốn ông giao trả, âm mưu chiếm đoạt làm của riêng. Những xung đột về quan điểm, tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng kiên trung và người thân của mình diễn ra khá căng thẳng và đến cùng, nhân vật Ba Tài vẫn kiên quyết tìm bằng được số vàng thất lạc…
Tôi đặt nhiều tâm huyết cho vở diễn này với hy vọng được Nhà hát Kịch TPHCM quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để vở diễn có thể đạt được chất lượng dàn dựng tốt nhất.
* Trong tình hình sân khấu hiện nay, hiếm có những tác phẩm sân khấu mới, đặc biệt, để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Theo ông, phải chăng vì lĩnh vực sân khấu đang thiếu những điều kiện cần và đủ để phát triển?
Điều tôi quan tâm đối với tình hình sân khấu hiện nay là việc phải thực hiện được những tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị nghệ thuật… Vở Nàng Xê-Đa ngày xưa, trong gần 3 năm, diễn 1.008 suất, thành công của vở là giá trị nhân văn được chuyển tải trong câu chuyện huyền thoại này: con người vốn tốt đẹp, đừng để cho sự tốt đẹp ấy trở thành sự đáng sợ, tàn ác. Sau khi vở được tổ chức diễn cho lãnh đạo TP xem, tôi được chỉ đạo và hỗ trợ xuống tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh mượn một dàn nhạc ngũ âm của đoàn Dù Kê lên TPHCM diễn tấu nhạc cho vở Nàng Xê-Đa.
Hiện nay, việc đầu tư cho sân khấu chưa thật đầy đủ, nhưng thật ra chúng ta cũng đừng trách Nhà nước không quan tâm. Điều quan trọng là mình làm được những tác phẩm sân khấu có giá trị, chất lượng, tạo được dấu ấn, sức cuốn hút như thế nào. Khi vở Thời con gái đã xa - một tác phẩm sân khấu kịch nói về chiến tranh nhưng không hề có súng đạn, mà nêu bật số phận con người, sự khao khát của con người, được công diễn, đã gây chấn động từ sân khấu miền Nam ra Bắc. Vì thế, theo tôi, một tác phẩm có được thành công hay không, trước hết phải nhờ tài hoa, tâm tư, linh hồn, “bàn tay phù thủy” của người đạo diễn.
* Với những khó khăn và bất cập, ông mong mỏi điều gì cho nghề, cho nghệ thuật?
Trước giờ chúng ta sai lầm với quan niệm: sân khấu là nơi chuyển tải thông điệp. Thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giành độc lập, giải phóng đất nước, công tác tuyên truyền, chuyển tải thông điệp rất quan trọng. Tuy nhiên, muốn chuyển tải thông điệp đến người nghe, người xem, cần thiết phải được thể hiện qua số phận của con người thì mới “đắt giá” được. Từ thực tế cho thấy, trên sân khấu, từng số phận con người luôn là thông điệp cuộc sống. Những Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Thời con gái đã xa… ngày xưa ăn khách chính là nhờ vào sự phản ánh tinh tế số phận con người trong từng tác phẩm. Qua những số phận đó, người xem dễ dàng hiểu và cảm nhận các thông điệp
.
* Ông nghĩ gì trước xu hướng xã hội hóa trong làng sân khấu TP?
Ở một góc độ khác, sân khấu xã hội hóa TPHCM hoạt động rất tốt, nhưng đồng thời cũng đem lại một di chứng: sân khấu xã hội hóa nặng về thương mại, chỉ dựng vở ăn khách, hiếm khi dựng vở chính thống. Mà thực tế, nếu dựng vở chính thống, không kinh doanh được thì sân khấu xã hội hóa lại “chết”. Dần dần, các sân khấu từ Phú Nhuận, Sài Gòn, Minh Béo… đều diễn theo một phong cách, dựa vào tài vặt của nghệ sĩ với cái tôi cá nhân khá lớn diễn trên sân khấu - nghĩa là diễn viên diễn chứ không hóa thân vào vai diễn, vào nhân vật. Trong khi đó, nghệ thuật sân khấu lại rất cần những nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật, sống thật với nhân vật, lột tả được nhân vật. Khi hóa thân được vào nhân vật, khán giả sẽ chỉ thấy nhân vật mà thôi, không còn là hình ảnh của diễn viên nữa - điều đó mới là đỉnh cao của sân khấu. Và, khi sân khấu chính thống dần mất đi, thật khó mà kéo lại được.
Thúy Bình