

NSƯT Trung Hiếu (phải) cùng bạn diễn - NSƯT Thu Hà trong vở kịch “Đứa con bị đánh cắp”.
Trong vở “Đứa con bị đánh cắp” (Nhà hát Kịch Hà Nội), có một nghệ sĩ đảm nhận cả hai vai diễn anh em song sinh tính cách trái ngược nhau khá ấn tượng với công chúng. Khi tập luyện vai diễn này, anh làm việc cật lực đến độ… bác sĩ buộc phải nghỉ dưỡng mấy tháng. Thế nhưng, với tình yêu mãnh liệt của mình dành cho sân khấu, anh cứ làm việc miệt mài không ngơi nghỉ. Đó là NSƯT Trung Hiếu.
Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu được công chúng biết đến từ khi anh còn là cậu sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội qua các phim truyện Hoa ban đỏ, Cuốn sổ ghi đời… Chính vì thế, ngay khi tốt nghiệp, anh được Nhà hát Kịch Hà Nội mời về làm diễn viên chính thức và vở diễn đầu tiên anh tham gia trên sàn diễn là vở Là ai, chỉ có hai nhân vật… Sau vai diễn này, đến nay, hơn 10 năm theo nghề, anh liên tục được giao nhiều vai chính trong các vở: Mùa hoa sữa, Hamlet, Cát bụi… và gần đây nhất là vở Đứa con bị đánh cắp.
- PV: Đóng nhiều phim, diễn nhiều kịch, chắc anh có lắm chuyện vui buồn về nghiệp diễn?
NSƯT Trung Hiếu: Năm 2002, khi quay phim Trò đùa của thiên lôi, tôi vào vai Kế - trợ lý của Giám đốc, nhưng thời gian này do bị tai nạn giao thông bị thương ở chân, đau quá, tôi chỉ ngồi một chỗ để bàn bạc… Sau đó, lại càng khổ nữa, nhà hát lưu diễn ở Hải Phòng, mà mình lại diễn vai chính không thể vắng mặt, thế là anh em đến tận nhà cõng ra xe, đi cả trăm cây số để diễn. Khi ra diễn thì tôi lại phải chống gậy. Sau mỗi cảnh diễn là vào cánh gà uống thuốc giảm đau… rồi lại ra diễn…
- Hình như, NSƯT Trung Hiếu được khán giả quý mến từ các vai diễn chính diện…
Khi mới vào nghề, tôi toàn đóng những vai khổ sở, thất tình, bị vợ bỏ… Lúc ấy đi ra đường, có nhiều khán giả hỏi “Trông mặt cũng được ra phết nhưng sao mà trên sân khấu - màn ảnh, lại khổ thế cháu?”. Đặc biệt, năm 1996 – 1997, trong phim Lập nghiệp, tôi vào vai Chiến - một người có nghị lực vươn lên, trải qua bao khó khăn để thành công… rất được khán giả quý mến.
- Vậy từ lúc nào anh chuyển sang đóng các vai phản diện… “đáng ghét”?
Năm 2000, nhìn lại mình, tôi chợt có cảm giác các vai diễn bắt đầu na ná nhau, dễ bị nhàm chán. Cho nên tôi muốn tự làm mới, thay đổi hẳn đi hình ảnh của mình để khán giả có cách nhìn khác về… Trung Hiếu! Và rồi năm 2003, tôi nhận đóng vai phản diện đầu tiên là Khang – phim Đường đời . Ngay lập tức nhận được giải do các báo bình chọn “Nhân vật đáng ghét nhất trong năm”.
- Vậy là anh đã thành công…
Có những người thân gọi điện thoại cho mẹ tôi bảo: “Lúc này thằng Hiếu làm sao thế hả bà? Sao cứ đóng cái vai gì mà thấy sợ, thấy ghét thế nhỉ?”. Cứ nghe mọi người nói thế, mẹ căn dặn: “Thôi nhé, đóng một lần cho biết thôi nhé”. Sau vai diễn Khang, các đồng nghiệp xem thích lắm, thế cũng vui rồi.
- Nhưng khi có sự thay đổi trong cách chọn vai, chắc là anh phải làm việc cật lực…
Vâng, tôi phải bỏ nhiều thời gian đọc thật kỹ kịch bản để phân tích nhân vật. Tôi luôn tìm tòi những cái mới, có khi chỉ là một chi tiết nhỏ như một cái nháy mắt, một ánh nhìn… Trong vở Cát bụi, vào vai nhà văn Tống Thoại mưu mô, tôi nghĩ ngay đến cách cạo bớt tóc hai bên trán để cho phù hợp với tính cách nhân vật. Thế là tôi đi cạo mái tóc của mình, mãi đến hơn 10 tháng sau tóc mới mọc lại đều.
- Sắp tới, anh sẽ có vai diễn nào mới?
Tôi vừa hoàn thành vai diễn Chí Phèo trong phim nhựa chiếu Tết Giấc mơ của Chí Phèo được phóng tác từ tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Trong phim, Chí Phèo mơ được làm người lương thiện, mơ về một mái ấm với Thị Nở, mơ có những đứa con được học hành… Sau khi đóng xong, đến lúc lồng tiếng, có những cảnh tôi phải rơi nước mắt… Đặc biệt, ở vai diễn này, lúc quay phim, tôi cứ say mê diễn cảnh Chí Phèo ăn vạ nhà Bá Kiến, cầm cái chai đập vô đầu… Tự dưng anh quay phim đứng gần đấy bảo: dừng lại, dừng lại! Chao ôi, hai dòng máu chảy xuống. Thì ra, tôi bị mảnh chai ghim vào đầu…
- Từ một nghệ sĩ chỉ lo diễn và thoải mái chạy sô đóng phim, diễn kịch truyền hình, nay kiêm nhiệm chức trưởng đoàn, anh thấy sướng hay khổ?
Vất vả hơn rất nhiều. Nếu là một diễn viên, tôi chỉ lo cho một mình tôi, cuộc sống hết sức thoải mái. Nhưng khi được anh em tín nhiệm, bầu làm trưởng đoàn, tôi không chỉ cố gắng thể hiện tròn vai diễn của mình mà còn phải lo cuộc sống cho mấy chục anh em trong đoàn, phải làm thêm rất nhiều việc như bán vé, chuyện trang phục, đạo cụ…
- Những ngày lưu diễn tại TPHCM, anh có đến các sàn diễn của TPHCM xem đồng nghiệp diễn?
Tôi đã đi xem một số điểm diễn và cảm nhận một điều: các nghệ sĩ của TPHCM rất năng động và khán giả thành phố rất dễ thương.
Xin cảm ơn và chúc anh luôn thành công!
Đỗ Hạnh