“Nữ hoàng” đỗ quyên đang nở trên đỉnh Công Sơn - Mẫu Sơn

“Nữ hoàng” đỗ quyên đang nở trên đỉnh Công Sơn - Mẫu Sơn

Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn, khoảng 1 tuần nay, hoa đỗ quyên ở các ngọn núi Công Sơn và Mẫu Sơn đã bắt đầu mở cánh.

IMG_8204.jpeg
Hoa đỗ quyên đã bắt đầu hé mở trên đỉnh núi Công Sơn năm 2024. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

Anh Nguyễn Minh Chuyển, cán bộ đang làm việc trong ngành địa chất ở tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với Báo SGGP, ở tỉnh Lạng Sơn có hai đỉnh núi nhiều hoa đỗ quyên là đỉnh Công Sơn (được gọi là núi Cha, tiếng Tày gọi là Phia Pò) và đỉnh Mẫu Sơn (núi Mẹ, tiếng Tày gọi là Phia Mè) cùng thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình.

Vẻ đẹp huyền bí của hoa đỗ quyên ở Mẫu Sơn thuộc mạn Đông Bắc nước ta. Clip tư liệu mùa hoa năm 2023: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Còn theo chị Triệu Thị Phẩy, một người Dao, sống ở thôn Na Mò (xã Mẫu Sơn) - chuyên làm nghề “Porter” (dẫn đường và vận chuyển hành lý cho khách leo núi - trekking) thì hoa đỗ quyên Mẫu Sơn - Công Sơn mới bắt đầu nở được vài ngày nay.

IMG_8208.jpeg
Có đủ sắc màu, chủng loại đỗ quyên ở núi Mẫu Sơn vừa khai mở được vài hôm nay. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

Chị Phẩy nhận định, khoảng cuối tuần này đến dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 là thời điểm hoa đỗ quyên ở Lạng Sơn nở rộ và đẹp nhất.

Anh Chuyển cũng chia sẻ, so với hoa đỗ quyên ở đỉnh núi Putaleng (Lai Châu) hoặc Fansipan (Lào Cai) và một số nơi, thì hoa đỗ quyên ở Mẫu Sơn - Công Sơn là nở muộn nhất (sau khoảng 1 tháng, thường nở rộ vào nửa cuối tháng 4 hàng năm).

IMG_8205.jpeg
Hoa đỗ quyên trắng. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

Nguyên nhân là khí hậu ở khu vực Mẫu Sơn lạnh hơn và kéo dài hơn (kết thúc muộn hơn - hiện tại ở khu vực Đông Bắc của miền Bắc trời vẫn lạnh, đang chuyển mùa, nên hoa đỗ quyên cũng khai nở muộn.

IMG_8213.jpeg
IMG_8216.jpeg
IMG_8212.jpeg
Dự tính từ cuối tuần này đến dịp 30-4 và 1-5, hoa đỗ quyên ở Mẫu Sơn sẽ nở rộ nhất. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

Chị Phẩy cho biết, đã làm nghề “Porter” được 2 năm nay.

Vào mùa hoa đỗ quyên nở, khách du lịch ở Hà Nội và TPHCM kéo lên nhiều, nên có thời điểm, cả hai vợ chồng chị phải chia nhau dẫn khách leo núi. Có tuần đi tới 3 chuyến.

Cách đây 2 ngày, chị Phẩy vừa dẫn một đoàn khách từ Indonesia tới Việt Nam (theo tour) leo núi Công Sơn để ngắm đỗ quyên, đi - về trong ngày.

IMG_8240.jpeg
Những quả đồi đầu tiên của hành trình leo núi Công Sơn. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY
IMG_8237.jpeg
Leo núi Công Sơn dễ thở hơn núi Mẫu Sơn. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

“Mùa leo núi ở Lạng Sơn là từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau. Hết hoa đỗ quyên thì tôi lại dẫn khách đi ngắm thác, hỗ trợ các tour du lịch mạo hiểm”, chị Phẩy nói.

IMG_8220.jpeg
Khu vực khách thường tổ chức cắm trại qua đêm khi leo núi ngắm đỗ quyên trên đỉnh núi Công Sơn
IMG_8239.jpeg
Cắm trại nghỉ đêm trên hành trình leo đỉnh núi Cha. Ảnh: TRIỆU THỊ PHẨY

Theo anh Chuyển, trên đỉnh Mẫu Sơn là thiên đường hoa đỗ quyên. Đây còn là mê cung rừng già, gần như không đường không lối, nhiều cây cổ thụ rêu bám đẹp như trong cổ tích. Vì vậy, đỉnh núi này khó leo hơn.

IMG_8228.jpeg
Cây cối chằng chịt chưa có lối đi ở đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN
IMG_8231.jpeg
Có những khu vực, tre trúc giăng kín lối đi khi chinh phục đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Còn dễ leo hơn là đỉnh núi Công Sơn. Các nhóm trekking có thể khởi hành từ thôn Na Mò (nằm trên đường vào cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình).

IMG_8218.jpeg
Các lứa hoa đỗ quyên trên đỉnh núi Công Sơn mà chị Phẩy vừa chụp được khi dẫn khách lên đỉnh núi

Tuy nhiên, anh Chuyển hướng dẫn, để được leo núi Công Sơn, cần phải khai báo với cơ quan chức năng ở địa phương: BQL rừng đặc dụng Mẫu Sơn, UBND xã Mẫu Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, hoặc cơ quan có thẩm quyền về du lịch của tỉnh Lạng Sơn (như Phòng VH-TT huyện Lộc Bình, Phòng Quản lý du lịch - Sở VHTT-DL tỉnh Lạng Sơn hoặc bộ phận quản lý khu du lịch Mẫu Sơn).

IMG_8221.jpeg
Đủ sắc màu hoa đỗ quyên ở Mẫu Sơn
IMG_8235.jpeg
Đỗ quyên phớt hồng
IMG_8236.jpeg
Đỗ quyên cánh vàng

Theo anh Chuyển và một số khách du lịch, sở dĩ phải đăng ký danh sách leo núi vì đây là khu rừng đặc dụng nên phải cam kết không xâm hại cảnh quan môi trường rừng với BQL rừng đặc dụng Mẫu Sơn.

Chị Phẩy cho biết thêm, khu vực này gần biên giới nên khách leo núi không được sử dụng flycam.

Anh Chuyển là một “thổ địa” có nhiều kinh nghiệm leo núi, thông thạo địa hình trong khu vực, núi Công Sơn và Mẫu Sơn là 2 đỉnh núi đứng hai bên tạo thành các vách, giữa là vực sâu tách biệt nên ngăn cách. Mỗi đỉnh đều có vẻ đẹp riêng.

IMG_8229.jpeg
Trên đỉnh núi Mẹ ở xã Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn). Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Công Sơn đẹp hùng vĩ, nhiều vách vực sâu, nhiều thảm cỏ rộng lớn. Mẫu Sơn rộng lớn bao la, vẻ đẹp bao dung hiền hậu, mang trong mình khu linh địa cổ hàng ngàn năm huyền bí. Hai đỉnh núi này có hai cung đường đi khác nhau.

IMG_8232.jpeg
Rừng đỗ quyên với những thân cây xù xì rêu phủ như cổ tích ở vùng linh địa Mẫu Sơn. Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Những khách du lịch đã có kinh nghiệm cho biết, vị trí có hoa đỗ quyên không phải là ở khu du lịch Mẫu Sơn (nơi hàng năm khách du lịch lũ lượt kéo lên ngắm băng giá) mà ở tít trên núi cao (với độ cao khoảng trên 1.500m).

IMG_7011.jpeg
Khu du lịch Mẫu Sơn tháng 3-2024. Chỗ này chưa phải là đỉnh Mẫu Sơn, chưa thể gặp hoa đỗ quyên. Ảnh: VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục