Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, từ nhỏ Võ Vân Ánh (ảnh) dường như đã sẵn máu yêu âm nhạc trong người. Năm cô lên 4 tuổi, bố mẹ muốn cho con gái học đàn cello. Tuy nhiên, khi thấy cô Hồng Nhật chơi đàn tranh, cô bé 4 tuổi ấy đã nằng nặc đòi học đàn tranh. “Trời ơi, cái đàn này trông đẹp quá, con muốn học chơi đàn này!”, Vân Ánh nhớ lại. Và cũng từ đó, đàn tranh đã đi theo cô như một cái nghiệp.
Lên trung học, để có thể chuyên sâu vào con đường âm nhạc, Vân Ánh đã thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia. Cô vừa phải học văn hóa vào buổi sáng, vừa phải học các môn âm nhạc vào buổi chiều tối. Những nỗ lực phấn đấu của cô được đền đáp xứng đáng bằng tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu và nhiều cơ hội trong sự nghiệp người nghệ sĩ.
Năm 1995, tại cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc, Vân Ánh đã xuất sắc giành giải nhất và thêm một giải nhất cho màn độc tấu nhạc dân tộc hiện đại. Sau lần đăng quang, chị đã được chọn tham gia các chuyến trình diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam đến gần 20 quốc gia trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Ý, Thái Lan, Trung Quốc…
Chị thực sự trở thành một nghệ sĩ quốc tế có tên tuổi khi sáng tác và chơi nhạc cho bộ phim mang tên Người con gái Đà Nẵng (Daughter from Da Nang) - bộ phim đã đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance năm 2002 và được đề cử Oscar năm 2003. Gần đây nhất, tác phẩm nhạc nền do chị và nghệ sĩ Mark Izu sáng tác cho phim tài liệu Bolinao 52 đã đoạt giải Emmy năm 2009 cho cả nhạc và phim, giúp Vân Ánh trở thành nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của nước Mỹ.
Trong năm 2009, chị cũng là người đồng sáng tác nhạc nền cho phim tài liệu Ngôi làng mang tên Versailles (A village named Versailles). Bộ phim này đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim ở Mỹ và trong Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, phim đã được giải bình chọn của khán giả.
Trong một chuyến lưu diễn ở Mỹ, Vân Ánh đã gặp, rồi sau đó yêu và kết hôn với anh Steven Huỳnh. Năm 2001, chị theo chồng sang định cư ở Mỹ.
Tiếng đàn tranh mang hơi thở đương đại
Vân Ánh nói rằng sau nhiều năm sinh sống và biểu diễn ở nước ngoài, theo chị, điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ khi chơi nhạc dân tộc ở nước ngoài là phải giữ được cái hồn nhạc Việt. “Điều quan trọng của một người chơi nhạc dân tộc Việt Nam hay bất cứ dòng nhạc nào là phải có cái gốc. Trong suốt thời gian học tập ở Việt Nam, ở nhạc viện quốc gia cùng sự giúp đỡ của nhiều nghệ nhân, tôi may mắn đã có được cái màu, cái sắc rất đặc trưng của nhạc dân tộc Việt Nam. Từ đó, tôi muốn vẽ một bức tranh âm nhạc mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được cái gốc, cái hồn dân tộc của mình. Tôi rất mong những dự án âm nhạc của mình có thể kết nối được giữa hồn sắc của âm nhạc truyền thống và cuộc sống đương đại” - chị tâm tình.
Cho đến giờ, nghệ sĩ Võ Vân Ánh đã có hai album chơi nhạc dân tộc phát hành ở Mỹ là Twelve Months, Four Seasons (12 tháng, bốn mùa) và She’s not She (tạm dịch: Cô ấy không còn là cô ấy hôm qua). Ở Mỹ, Vân Ánh cũng là người đầu tiên giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên kênh truyền hình KTSF 26 (kênh truyền hình châu Á tại khu vực vùng vịnh San Francisco) của Mỹ.
Từ khi theo chồng sang Mỹ định cư, Vân Ánh truyền đạt lại bộ môn âm nhạc dân tộc này tới những người yêu thích văn hóa, âm nhạc Việt Nam tại nơi đây. Học trò của chị không chỉ có người Việt, người Mỹ mà có cả người Ấn Độ, Tây Ban Nha, trẻ nhất 9 tuổi và lớn nhất 82 tuổi. “Miễn là ai có tấm lòng yêu âm nhạc cũng như muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thì mình đều tận tình giảng dạy và chia sẻ với họ về văn hóa và âm nhạc Việt Nam”, chị tâm tình.
Ngoài đàn tranh, nghệ sĩ Vân Ánh còn trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn t’rưng, k’longput
MINH AN