Hãng Bảo hiểm AIA vừa công bố kết quả một khảo sát đáng lưu ý về tiền tiết kiệm sau khi nghỉ hưu. Phạm vi khảo sát là 3.000 người trung lưu tại 6 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong những người được hỏi, gần một nửa số người trả lời (44%) lo ngại sẽ không có đủ tiền sinh sống một cách thoải mái khi nghỉ hưu. Số tiền cần thiết để có cuộc sống tiện nghi khi nghỉ hưu ở các nước cũng rất khác nhau.
Theo đó, ở Việt Nam, những người được hỏi cho rằng cần có trong tài khoản tiết kiệm chừng 493.100 USD (quy đổi) để sống tốt, ở Indonesia là 181.610 USD, Philippines là 207.610 USD và Thái Lan là 233.960 USD. Có hai nước cần nhiều hơn Việt Nam là Malaysia (583.380 USD) và Singapore (898.330 USD).
Tuy nhiên, ngay tại Singapore - quốc gia được coi là giỏi quản trị tài chính hơn hết - thì theo tác giả Amelia Tan của tờ Straits Times, có vẻ như đa số người dân cũng rất mơ hồ về kế hoạch tài chính cho “tuổi vàng” của mình. Trong số 1.000 người dân Singapore, bao gồm cả công dân và người cư trú dài hạn, tham gia cuộc thăm dò do Ngân hàng DBS (ngân hàng lớn nhất Singapore về giá trị tài sản hiện nay) thực hiện, chỉ có gần 25% đang thực hiện kế hoạch tài chính để chuẩn bị nghỉ hưu. 25% khác cho biết họ “đang lên kế hoạch”, số còn lại chưa có ý tưởng gì.
Các chuyên gia của Ngân hàng DBS cũng chỉ ra rằng bài toán của người dân Singapore đã bị giải sai khá trầm trọng, bởi trong khi hy vọng có khoảng 3.500 đô la Singapore (SGD)/tháng để chi tiêu trong 15 - 20 năm sau khi nghỉ hưu ở tuổi 65, họ ước tính cần để dành được khoảng 480.000 - 700.000 SGD, nhưng con số đúng phải là 900.000 SGD. Singapore là một quốc gia đang “già hóa” khá nhanh chóng, với số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp ba, lên mức 900.000 người vào năm 2030.
Dù cũng có ý kiến tranh luận rằng kết quả thăm dò có phần trầm trọng hóa vấn đề, nhưng cảnh báo về việc sẽ có nhiều người lâm vào khó khăn tài chính khi nghỉ hưu là rất đáng chú ý. Theo ông Michael Dommermuth, Chủ tịch toàn cầu của Tập đoàn Manulife Asset Management, chi phí y tế ở châu Á đã tăng “phi mã” trong vòng 10 năm qua. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi tiêu cho y tế của một người ở Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần; ở Singapore khoảng 3 lần và ở Indonesia là 2 lần. Rõ ràng chăm sóc sức khỏe rất tốn kém và khi tuổi càng cao, chi phí này cũng tăng theo.
Người Singapore đã vậy, người Việt Nam thì sao? Phải chăng chúng ta kỳ vọng quá nhiều trong khi lại đang để dành (hoặc có thể để dành được) quá ít? Cần nhớ rằng thu nhập bình quân của Việt Nam hiện nay là thấp nhất trong 6 nước được AIA tiến hành khảo sát và tuổi nghỉ hưu ở nước ta (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam) lại sớm hơn nhiều so với Singapore (62 tuổi cho cả nam và nữ). Tiếc rằng chưa có những nghiên cứu kinh tế - xã hội học chi tiết hơn cho bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
Trên thực tế, tuổi nào cũng có thể mắc sai lầm về chi tiêu, nhưng những luận cứ thuyết phục và việc tuyên truyền rộng rãi những thông tin hữu ích này có thể phần nào giúp điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân.
Cùng với những chính sách về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội được thiết kế hợp lý, những gánh nặng tài chính cho xã hội và mỗi cá nhân trong tương lai có thể được giảm nhẹ. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các gia đình ở Việt Nam đang dần dần Âu hóa và mô hình “tứ đại đồng đường” đang dần dần chỉ còn là câu chuyện lịch sử...
ANH THƯ