Nước đã đến chân…

Hôm qua, 27-2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2008 tăng 3,56% so với tháng 1-2008. Như vậy, cùng với mức tăng 2,38% của tháng 1, tính chung hai tháng đầu năm 2008, CPI đã tăng tới 6,02%.

Trên thực tế, con số này không làm bất ngờ với nhiều người, nhất là những người dân hàng ngày phải chứng kiến cơn sốt giá ngoài chợ. Thế nhưng, so với mục tiêu đề ra là kiềm chế lạm phát dưới mức tăng trưởng (dự kiến là 8,5% đến 9% trong năm 2008), con số CPI tăng trên 6% chỉ trong hai tháng đầu năm quả đã làm cho các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu. Đó là chưa kể đến việc tăng giá xăng dầu hôm 25-2 vừa qua sẽ là một “ngôi sao quả tạ” cho CPI tháng 3.

Năm ngoái, lạm phát tăng đến hai con số được cho là do công tác dự báo giá cả có vấn đề, không tính trước được diễn biến thị trường thế giới. Còn năm nay, những giải pháp kiềm chế lạm phát đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện một cách quyết liệt ngay từ đầu năm. Nhưng, như một chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ mỗi chính sách tiền tệ thì mới chỉ “đúng, nhưng chưa đủ”. Thực tế cũng cho thấy, khi cung tiền được điều hành giảm đi, nhiều điểm yếu của nền kinh tế đã bộc lộ những nguy cơ tiềm ẩn.

Trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh ngay từ đầu năm, có thể thấy “nước đã đến chân”, nếu không “nhảy” ngay, ngập lụt sẽ là tất yếu. Nhưng vấn đề đặt ra là “nhảy” thế nào? Trong một báo cáo vừa được công bố của nhóm nghiên cứu kinh tế Đại học Harvard (Hoa Kỳ), các tác giả đã chỉ ra rằng, hiện nay các cơ quan trách nhiệm hoạch định chính sách vĩ mô của Việt Nam là Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước chưa phối hợp với nhau hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng thừa nhận, điều hành chính sách vĩ mô hiện còn “chưa thật khớp với nhau”. Rõ ràng, đây là một điểm khá quan trọng trong chống lạm phát cần được giải quyết. Nhóm nghiên cứu kinh tế Đại học Harvard cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan quản lý kinh tế cao cấp hoạt động tương tự như hội đồng phát triển kinh tế của Singapore, được giao nhiệm vụ điều phối chính sách vĩ mô.

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị của nước ta hiện nay, đề xuất này chưa hẳn đã phù hợp. Tuy nhiên, yêu cầu về một cơ chế phối hợp điều hành chính sách vĩ mô giữa các bộ ngành liên quan đang trở nên cấp bách để chống lạm phát. Từ hôm qua, 27-2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2, trong đó có nội dung thảo luận về công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Chắc rằng, vấn đề này sẽ được mổ xẻ kỹ, bởi “đám mây đen” lạm phát đang dần bao phủ lên nền kinh tế và đời sống của người dân.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục