Nước mắt chảy xuôi

Nước mắt chảy xuôi

Lần nào đến nhà cũng thấy anh một mình lúi húi làm việc. Nhà giàu có, anh có thể mướn người làm, nhưng anh vẫn cần cù làm từ sớm. Còn cậu con rể thì lại ngủ thẳng cẳng. Tôi hỏi anh sao không gọi con rể  làm phụ. Anh bảo, để cho nó ngủ. Chắc anh thương con gái nên thương cả con rể.

Hôm anh bị té vì chở ống nước kềnh càng, chống chân hụt, đập mình xuống đường, bể lá lách. Trong lúc anh bệnh, cha anh bức xúc: Đã bảo bao nhiêu lần rồi. Việc gì mướn người khác làm, tự làm chi để rồi ra cớ sự này. Còn thằng rể nữa, cha nó cực vậy mà suốt ngày cứ ở ngoài đường.

Lúc anh bệnh, người cha hơn 80 tuổi, vẫn tự mình đi câu cá rô, đem về tự kho bưng qua cho con trai ăn. Ông bảo, ở chợ toàn cá nuôi, câu cá đồng ngon hơn. Nó thích ăn cá rô mà ở nhà có ai lo cho nó đâu!

Anh bệnh khoảng một tháng thì mất, có lẽ do bệnh này kéo bệnh kia. Thỉnh thoảng có đi ngang nhà cha anh, thấy ông già ngồi lúi húi sửa cần câu, chợt nhớ tới anh, nhớ con cá rô kho tiêu người cha già tự tay đi câu về rồi tự kho mang đến cho con trai.

Vào nhà đốt nhang viếng anh, thấy con rể của anh đang loay hoay cho con ăn. Thằng bé đã đến tuổi đi nhà trẻ, ở nhà quấy quá, bữa cơm là một cực hình, thức ăn văng tung tóe đầy bàn, bị phun ra cả áo. Người cha thay áo cho con, rồi dịu ngọt bảo: Cha nấu nui cho con ăn nha! Thằng bé không nói gì, người cha lúi húi vào bếp, kỳ cà kỳ cạch nấu chén nui.

Nỗi lo chăm con chắc ai cũng rõ, một con đường gian khổ từ mới sinh ra đến khi trưởng thành. Rồi trưởng thành lại lo tiếp đến khi nào nhắm mắt xuôi tay, có lúc nào ngơi nghỉ. Cực khổ như vậy, con cái nào hiểu cho bậc cha mẹ, mà có đấng sinh thành nào kể công với con.

Họ khoát tay, khi nghe ai nhắc đến sự đối đãi của con với họ: Lo cho nó, rồi nó lo cho con nó. Bận tâm làm gì! Nước mắt chảy xuôi mà!

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục