Tôi nhớ lại những ngày này cách đây 44 năm (mùa thu năm 1969), đất và người cũng như thế, không hiểu sao mưa cứ dầm dề hết ngày này sang ngày khác. Đó là những ngày đồng bào cả nước ta và bạn bè thế giới tiếc thương một người vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, trái tim vừa ngừng đập. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Lịch sử như có sự lặp lại, giữa mùa thu năm nay, đất và người cũng gần như nửa thế kỷ trước, khóc thương một người vĩ đại nữa - một đồng chí - người học trò xuất sắc và gần gụi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa mới ra đi về cõi vĩnh hằng.
Khai quốc công thần
Những ai sinh ra và lớn lên từ giữa thế kỷ trước và may mắn được tắm mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc, chắc chắn không bao giờ quên hình ảnh 4 vị khai quốc công thần thời đại Hồ Chí Minh, gắn với những chiến công hiển hách của một thời dựng nước và giữ nước. Một trong 4 con người kiệt xuất ấy, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước trên vùng đất Quảng Bình chang chang cồn cát, khởi nghiệp bằng nghề dạy học, nhưng trước cảnh nước mất nhà tan, đặc biệt khi gặp Nguyễn Ái Quốc, thầy giáo dạy sử Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) đã gác bút nghiên, rời bục giảng lên đường làm cách mạng. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) giao phụ trách về quân sự, trực tiếp đứng ra tổ chức Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay, người thầy giáo ấy đã không quản khó khăn nhận nhiệm vụ.
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là những vị khai quốc công thần. Những hình ảnh, tư liệu lịch sử còn in đậm trong ký ức dân tộc 4 con người vĩ đại ấy; từ những ngày nếm mật nằm gai trong kháng chiến chống Pháp đến những cam go, thách thức thời kỳ chống Mỹ, với quyết tâm sắt đá: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập; cũng phải giải phóng miền Nam, thu giang san về một mối.
Vị Đại tướng khai quốc công thần ấy, cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thật xứng đáng như lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng. Trước hết vì việc chung, đặt việc chung lên trên hết.
Một trong những người tổ chức ra QĐND Việt Nam, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, cùng toàn dân đánh thắng 2 đế quốc to, nhưng cả đời chỉ nhận phong quân hàm một lần. Một vị tướng được chọn là 1 trong 21 vị tướng kiệt xuất nhất của mọi thời đại, nhưng vị khai quốc công thần ấy thật gần gụi với nhân dân, thở hơi thở của nhân dân, nghĩ theo sự suy nghĩ của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân. Vì thế, ông thuộc về nhân dân, là tài sản vô giá của nhân dân và của toàn dân tộc.
Võ thấu lòng dân võ hóa văn
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam luôn dành cho quân đội ta sự chăm sóc và tình thương yêu đặc biệt. Và, Bác cũng dành cho người chỉ huy, đứng đầu Quân đội quốc gia ấy sự quan tâm đặc biệt. Ngày 20 tháng 1 năm 1948, trong sắc lệnh số 110-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ghi rõ: Ông Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ, nay thụ cấp Đại tướng kể từ ngày ký sắc lệnh.
Người con ưu tú của dân tộc họ Võ tên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên của quân đội ta, thường ngày mọi người vẫn gọi là anh Văn. Ngày 22 tháng 12 năm 1949, trong thư gửi bộ đội, Bác Hồ viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta”.
Lòng dân, ý nước là vậy, đó chính là sự kỳ diệu tạo nên những nhân vật huyền thoại đã đi vào lịch sử của dân tộc ta.
Do đặc thù công việc, người viết bài này có dịp đi khắp nơi trên đất nước ta, đặc biệt dọc dài con đường Trường Sơn huyền thoại và mảnh đất Quảng Bình địa linh nhân kiệt, mới ngộ ra rằng, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào tiềm thức của nhân dân như một trong những vị cứu tinh, một vị thánh, ngay cả khi Người còn hiện diện trên thế gian này. Đúng như câu đối đã viết về Đại tướng: Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa văn.
Một vị Tổng Tư lệnh, anh cả của QĐND Việt Nam, chỉ huy quân đội liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách làm cả thế giới kinh ngạc và ngưỡng mộ, làm chính kẻ thù phải thán phục lại là một vị tướng giàu tính nhân văn - một Nhân tướng. Điều này như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng.
Trong bài thơ nổi tiếng Kỷ Hợi tuế nhị thủ của Tào Tùng (đời Đường) có câu: Nhất tướng công thành vạn cốt khô (dịch nghĩa: Để có một ông tướng phải có hàng vạn người chết trận). Nhưng cả cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm làm sao giành được chiến thắng mà ít đổ máu nhất. Những bằng chứng lịch sử vẫn còn nguyên vẹn như việc thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ; các chiến dịch lớn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu là chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã minh chứng chất nhân văn ấy.
Đó là chuyện trong chiến tranh, ngay trong cuộc sống đời thường, chất văn trong con người của Đại tướng cũng thể hiện rất rõ. Người lính Cụ Hồ, phẩm chất cao đẹp nhất là hy sinh, phụng sự Tổ quốc. Là một người lính, dù đó là bậc tướng lĩnh, việc chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh cấp trên phải đặt lên hàng đầu (dĩ công vi thượng). Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mẫu mực lớn về việc đó. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trong truyền thuyết của dân tộc ta, có nhiều câu chuyện cảm động về những người cứu dân cứu nước. Cậu bé làng Gióng, sau khi chiến thắng giặc Ân đã cỡi ngựa sắt về trời. Bao nhiêu người làm xong bổn phận với quốc gia, dân tộc cũng lui về cố hương sống cuộc đời bình dị như muôn người bình thường khác.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thế. Cả cuộc đời hy sinh cho dân, cho nước, khi về với tổ tiên, đi theo Bác Hồ, ông chọn quê hương Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn làm nơi an nghỉ ngàn thu. Vũng Chùa - Đảo Yến vốn là vùng đất thiêng của Quảng Bình sẽ là đất thiêng của cả nước, của cả dân tộc Việt Nam, của muôn đời con cháu.
Nước mắt mùa thu
Cơn bão số 10 vừa đi qua, nhưng hậu quả của nó gây ra vẫn còn dai dẳng. Mưa giăng kín cả mảnh đất hình chữ S thân yêu này. Mưa của đất trời hay nước mắt của lòng người tiếc thương một người Anh hùng dân tộc vừa ra đi.
Khắp từ Bắc chí Nam, từ biên cương xa xôi đến Trường Sa và những hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, dường như ở đâu cũng có hình bóng Đại tướng. Dòng người về viếng Đại tướng tưởng như vô tận. Mọi người cùng chung cảm nhận, đây là một tổn thất không thể nào bù đắp được của cả dân tộc, của mỗi gia đình.
Điều đáng chú ý, không chỉ có các cựu chiến binh chia sẻ nỗi mất mát to lớn này mà toàn dân, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi chưa một lần được gặp Đại tướng. Nhưng vẫn hướng về Đại tướng như hướng về một người ông, người cha thân yêu của mình.
Âu đó cũng là cái Phúc của dân tộc.
Nước mắt Tháng Mười - nước mắt Mùa thu tiếc thương một con người vĩ đại, một nhân tướng kiệt xuất, thiên tài đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc.
TP Hồ Chí Minh, đêm 9 tháng 10 năm 2013.
Tùy bút của TRẦN THẾ TUYỂN
Thông tin liên quan |
>> Ngập tràn hoa, nước mắt trên phố Hoàng Diệu >> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau |