Nước nhỏ, nỗi lo lớn

Hôm nay 26-2, cử tri Ireland sẽ tham gia bầu cử Quốc hội - cuộc bầu cử mà giới phân tích dự đoán sẽ không có ứng viên nào có khả năng giành được chiến thắng áp đảo. Kết quả bầu cử sẽ khiến cho Ireland - nước thứ 3 sau Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong danh sách các quốc gia được châu Âu giải cứu - phải đối mặt với bế tắc chính trị sau bầu cử.

Nền kinh tế Ireland trong 2 năm qua đã tăng trưởng khá nhanh so với những nước khác trong lục địa già. Tuy nhiên, thông điệp “tiếp tục giữ đà phục hồi” trong chiến dịch vận động tái tranh cử của đương kim Thủ tướng Enda Kenny đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của tầng lớp cử tri chưa hưởng lợi gì mặc dù kinh tế đã hồi phục, vẫn đang thất nghiệp và nghèo khó do chính sách thắt lưng buộc bụng. Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy sự ủng hộ của cử tri với đảng Fine Gael theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Enda Kenny chỉ chiếm 33% sự ủng hộ trong khi đảng Lao Động đạt được 37%. Ngoại trừ có đột biến vào phút cuối, sẽ không có chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lần này và theo giáo sư chính trị tại Đại học Dublin, có khả năng lá phiếu cử tri sẽ đưa 2 đảng chính trị lớn nhất nước này Fine Gael và Fianna Fail - đảng cầm quyền trong suốt 14 năm tại Ireland trước khi bị Fine Gael đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2011 - lên sân khấu trung tâm. Một liên minh chính phủ giữa hai đảng từng là đối thủ trong cuộc nội chiến 1922 - 1923 sẽ là chưa từng có tại Ireland. Nếu xảy ra, chắc chắn sự sắp xếp quyền lực chính trị giữa hai đảng đối đầu này có thể kéo dài, ít nhất là 1 năm chính phủ rơi vào tình trạng chân không quyền lực. Tệ hơn, Ireland có thể sẽ phải tiến hành cuộc bầu cử thứ hai.

Trước bầu cử Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đã tiến hành bầu cử vào mùa thu vừa qua và đang lâm vào bế tắc chính trị. Mặc dù đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng cuộc bầu cử mới đây ở Tây Ban Nha đã trở thành một thảm họa đối với đất nước khi ngày 25-2, gần 10 tuần đã qua kể từ sau bầu cử, Madrid vẫn chưa thể có chính phủ do không có đảng nào chiếm đa số ghế. Đảng cực tả Podemos (Chúng ta có thể) ngày 24-2 lại tuyên bố hoãn đàm phán với đảng Xã hội (PSOE) nhằm thành lập một chính phủ liên minh.

Cuộc bầu cử tại một quốc gia nhỏ bé chỉ 4,6 triệu dân nhưng lại đang khiến nhiều lãnh đạo ở châu Âu lo lắng. Cử tri Ireland có thể đưa ra sự lựa chọn không dễ dàng giữa việc duy trì thế đối đầu gần một thế kỷ giữa hai đảng hoặc cho ra đời một liên minh ẩn chứa nguy cơ không ổn định. Một Chính phủ Ireland nếu không ổn định có thể sẽ chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU tại Anh vào ngày 23-6 tới. Xa hơn nữa, nếu đảng cầm quyền Fine Gael không tái đắc cử ngay cả khi nền kinh tế Ireland đang hồi phục cũng sẽ khiến các nước xung quanh trong khu vực đồng tiền chung châu Âu bồn chồn không yên vì có thể cũng sẽ giải bài toán phép thử bầu cử, mà theo đó các đảng phái ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng có nguy cơ không được ủng hộ. Sau cùng, kết quả cuộc bầu cử Ireland có thể sẽ tăng thêm áp lực buộc Brussels và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thay đổi các chính sách kinh tế mang hơi hướng “thắt lưng buộc bụng”.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục