Dù 30 phút lại có một chuyến phà đưa khách du lịch từ ga đổ bộ vào làng, nhưng Hallstatt vẫn cố gắng cân bằng vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Nếu không thế, dãy Alps kia có ôm trọn Hallstatt trong lòng cũng không thể giữ cho ngôi làng nhỏ xinh bình lặng này thả bóng gỗ duyên dáng xuống mặt hồ phẳng như gương.
Cây và gỗ là trang trí chủ đạo, làm bức tranh Hallstatt trở nên mềm và ấm. Các dây thường xuân rủ mềm tường đá, phủ xanh những chiếc hộp kính trưng bày đồ gỗ chạm khắc tinh xảo và các lọ muối - vàng trắng của vùng. Thoạt nhìn tưởng người ta vẽ tranh cây lên tường nhà. Nhưng là cây thật.
Người Hallstatt làm giàn, khéo léo uốn cành cho loại cây có dáng dấp bonsai ép mình vào tường gạch, bao quanh khung cửa kính và bung ra những chiếc lá xanh thẫm, gần cuống chuyển dần sang vàng đỏ nâu. Đẹp đến nao lòng.
Vẫn biết đây không phải chiếc lá thường xuân cuối cùng mà họa sĩ Behrman vẽ dâng tặng Johnsy. Nhưng không gian truyện của O’Henry cứ mở ra khi du khách bồi hồi dạo phố ngắm nhà cổ Hallstatt.
Tưởng người ta chỉ chú trọng uốn cây, vẽ tranh tường và trang trí nhà cửa đẹp mắt ở trung tâm làng, nhưng đi bộ về cuối làng, nơi rẻo đất mỏng cuối cùng bám vào giữa chân núi và hồ, du khách lại thấy những giàn gỗ dành cho cây mới nhú, một nhà chờ xe buýt thơm mùi gỗ, một chiếc cầu tuột và cọc xích đu, những mặt ghế cắt ra từ thân cây lớn đặt trên bờ cỏ xanh non phủ sát mặt nước trong vắt.
Tất cả gợi nhắc Hallstatt không phải là một bảo tàng đơn thuần. Đây là bảo tàng sống và du khách cần tôn trọng cuộc sống người dân ở đây khi tham quan.
Nếu ai không muốn thong thả ngắm thì có thể đi cáp treo để chiêm ngưỡng cả ngôi làng từ đỉnh núi và cũng có thể mua vé xuống thăm mỏ muối đẹp nguy nga như cung điện trắng dưới lòng đất.
Nhưng Hallstatt đẹp hơn khi chịu khó đi dần lên cao bằng đường bộ. Lần theo bậc đá nhỏ để lên Salzbergweg - cung đường đi bộ dài và cao thuộc dãy Alps, xuất phát từ giữa làng Hallstatt - sẽ chiêm ngưỡng được các tác phẩm nghệ thuật bày rải rác dọc đường đi.
Một góc nhỏ kê ghế gỗ đặt chậu hoa và dựa vào ban công gỗ nhìn ra mặt hồ lặng gió. Những chiếc chong chóng gió. Một cây thông hay chiếc đèn lồng, bóng mẹ bồng con hiện hình trong khúc gỗ lớn. Mùi thơm của thảo dược tỏa ra từ một căn nhà nhỏ xíu dựng bên đường đá chênh vênh. Lên cao nữa, có thể nghe tiếng sột soạt của lá khô cọ vào nhau. Một cặp vợ chồng già leo lên tận đây gom lá khô mang xuống rải ấm gốc cây thông mới trồng trước nhà.
Dáng người khổng lồ cuồn cuộn cơ bắp đang bước đi giữa hai vách núi. Đây là tác phẩm điêu khắc mang tên Lửa của Maria Christine Brecsik, được trưng bày từ năm 2008.
Lửa thiên đường xuống trái đất theo cả hai cách: phá hủy và kiến tạo. Tác phẩm điêu khắc hình người đỏ rực đang chuyển động này cũng là thông điệp nhắc nhở về hỏa hoạn năm 1750 gần như thiêu trụi trung tâm thị trấn Hallstatt.
Đây có lẽ là tác phẩm điêu khắc lớn bằng sắt thép duy nhất ở làng cổ Hallstatt. Kỳ diệu thay, những dây thường xuân bền bỉ, mạnh mẽ leo cao và chạm vào tác phẩm điêu khắc này. Các dải xanh lùa vào khoảng trống thân thể của Người Lửa như sự sống đã lên màu da non.