Bệnh “chân, tay, miệng” tại TPHCM

Ở mức báo động

Ở mức báo động

Ngày 5-4, theo kết quả ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, trong 3 tháng đầu năm 2006 đã tiếp nhận 915 trẻ (của TPHCM và các tỉnh) mắc bệnh “chân, tay, miệng” đến khám và nhập viện. Riêng số trẻ phải vào viện trong tháng 3 lên đến 453 trẻ. Tương tự, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 191 trẻ trong 3 tháng, riêng tháng 3 có 137 trẻ đến khám và nhập viện. 

Ở mức báo động ảnh 1
Nổi bóng nước: biểu hiện đặc trưng của bệnh “chân, tay, miệng”.

Theo ghi nhận từ các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đến ngày 4-4, đã có 220 trẻ mắc bệnh “chân, tay, miệng”, 42 trẻ còn nằm điều trị tại bệnh viện.

Trong đó, 3 cháu Q.T.P 1 tuổi (phường 7 quận Bình Thạnh), N.T.T.N 2 tuổi (phường 4 quận 8) và H.T.M.P 2 tuổi (phường 5 quận 8) đã tử vong do bệnh gây biến chứng lên não.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, BS Phan Văn Nghiệm-Trưởng phòng Nghiệp vụ y cho biết, diễn tiến bệnh hiện nay đang ở mức báo động. Từ cuối tháng 3, Sở Y tế đã báo cáo tình hình bệnh sang Viện Pasteur TPHCM và Bộ Y tế và đã xác định chủng loại virus, đồng thời triển khai nhiều biện pháp phòng chống.

Bệnh “chân, tay, miệng” do loại virus đường ruột gây ra, bình thường không xác định được virus này đang hiện diện ở đâu. Sở đã chỉ đạo khối y tế dự phòng tăng cường tuyên truyền phòng bệnh tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí.

Biện pháp phòng bệnh tối ưu nhất vẫn là vệ sinh môi trường và cá nhân thật tốt. Người lớn vẫn có thể là người lành mang vi trùng (không có biểu hiện bệnh) nhưng vẫn lây bệnh cho trẻ. Sở Y tế đang khẩn trương gởi văn bản sang nhiều sở ngành khác, đặc biệt là Sở Giáo dục-Đào tạo và UBND các quận huyện để tăng cường phối hợp, khống chế ca bệnh, không để bệnh lây lan thành dịch. 

“Chân, tay, miệng” là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, loại đang gây bệnh hiện nay là enterovirus 71. Bệnh lây qua đường tiêu hóa do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết ở mũi và họng, mụn nước của người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua đường phân-miệng. Bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu.

Triệu chứng của bệnh: nổi ban có bóng nước rồi lan ra toàn thân, sốt, sưng miệng, sưng họng, hoảng hốt, giật mình.

Phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau mỗi lần thay quần áo, tã, rửa hậu môn sau khi trẻ đi tiêu), vệ sinh mũi-họng cho trẻ bệnh. Các vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập rất dễ nhiễm virus, cần rửa qua bằng xà phòng rồi khử khuẩn bằng Cloramin B 5%.

Trong đợt cao điểm của bệnh, nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, hoặc sử dụng chung các dụng cụ với người bệnh, hạn chế bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa bằng cách ăn chín, uống sôi. Người bệnh cần được cách ly trong tuần đầu, đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh trong vài tuần sau khi mắc bệnh. 

Tin cùng chuyên mục