Ôi quê hương...

Ôi quê hương...

Mẹ tôi nghẹn ngào trong điện thoại: “Con ra ngay đi, thím con nằm hôn mê cả tuần rồi”.

Thím dâu tôi năm nay 63 tuổi. Buổi sáng thím dậy nấu cơm cho cả nhà, mới bước chân xuống thì chóng mặt, ngã vật ra. Thím bị tai biến mạch máu não. 10 ngày không tỉnh lại và ra đi luôn.

Thím tôi hiền và siêng năng như bao phụ nữ nghèo quê tôi. Trong xóm ai ốm đau là thím nấu cháo xách chạy. Thím tốt bụng một cách tự nhiên, không cần theo giáo lý nào.

Thím tôi không bao giờ nói nặng với ai. Có đứa con gái duy nhất đi làm ăn xa, lấy phải thằng rể vũ phu. Biết con bị chồng đánh bị thương, thím lần đầu tiên ra khỏi làng, vượt 1.000km, đến nhà con, thằng rể ra chào mẹ mới vào. Thím nói: “Tui không mạ con chi với eng hết” rồi khóc òa lên. Nửa tháng ở đó cũng không mắng được thằng rể câu nào, chỉ nắm tay nắm chân con gái mà rơi nước mắt. Thằng rể thấy vậy sau này hối hận, tử tế với vợ con. Ngày đưa thím đi, nó khóc thật sự, khóc đến lả cả người.

Thím tôi thơm thảo, cháu đi học ra thăm, thím vơ quàng vơ xiên hết mọi thứ ăn được trong nhà bỏ vào bị mà không chịu đưa, cứ giữ khư khư chờ con gà nhảy ra khỏi ổ là lấy quả trứng nóng hổi ra đưa luôn cho cháu.

Tôi chưa một lần nhìn thấy thím nằm. Khi tôi ngủ thím còn lục đục dưới bếp. Khi tôi dậy, thím đã ngồi chờ với mâm cơm mới nấu.

Tôi nói với chị tôi: “Ra đến nơi, em sẽ nhìn thấy thím nằm một lần”. Nhưng tôi ra thì thím đã ở trong quan tài đóng kín. Tôi hỏi sao không làm mặt kính để tôi nhìn mặt thím, người nhà nói quan tài này do Hội Cựu chiến binh làm.

Mẹ tôi nói: “Tội lắm con ơi, thím nằm gầy như con gà tre, tay khô khốc cáu đen. Thím con suốt đời cào bới ngoài đồng, móng tay không cần cắt cũng không dài ra được”.

Đám ma đưa thím đi trên đường làng, qua ngã rẽ vào xóm nhà thím, đứa con gái kêu: “Mạ ơi, đường ni về nhà mạ”, vì mỗi lần nó về quê cứ hay nói xe ôm: “Rẽ đường ni, đường ni”. Anh trai thím bị bệnh tâm thần đi song song đám tang, trên đường bờ ruộng. Không biết trong trí óc lẫn lộn của ông có nhớ gì về em gái không. Nếu nhớ, ông phải nhớ luôn hai người anh đầu là liệt sĩ ngày ngày nhìn thím tôi qua hàng khói hương. Nếu nhớ, ông cũng phải nhớ đứa em tất bật chân đi không bén đất chưa bao giờ dám ăn cái gì ngon.

Cô con dâu mồ côi coi mạ chồng như mạ ruột và rồi nó cũng tất bật, cũng đảm đang, cũng phúc hậu, cũng nghèo khổ như thím tôi.

Mấy ngày đám ma, đám cháu tha thẩn chơi không ai chăm sóc. Tôi nhìn chúng thật xinh đẹp, ngoan ngoãn, rất muốn nhận về nuôi giùm ít năm nhưng gia đình không chịu xa con.

Chúng tôi biết nhà quê không có máy ATM nên mang theo tiền mặt, tối đi ngủ thấy cửa không có chốt thì thắc mắc. Em tôi ra trước cả tuần bảo ở đây làm cửa cho đẹp chứ không làm chốt hoặc có làm cũng không dùng, chưa ai mất trộm bao giờ, Honda cũng để ngoài sân mà nhà không có cổng.

Tôi bàn với các chú thím còn lại đưa gia đình vào Bình Thuận, mấy chị em tôi sẽ lo việc tìm đất đai, công việc, lo cho các cháu học hành chứ nếu không cũng sẽ nghèo đời này qua đời kia, nghèo đến nỗi chẳng có gì cho kẻ trộm lấy. Nhưng không ai muốn đi. Lý do là ông bà nằm đây hết, phải lo nhang khói, ai cũng nghèo nhưng không đói vì nuôi gà, vịt, heo, bò, trồng cải, dền, ớt… được rồi. Thuyết phục mãi không được, tôi buồn không nói nữa. Đứa em bảo mọi người không nghĩ họ khổ đâu, thím dâu, vợ của em cùng cha khác mẹ mất mà cả nhà mình ra tận Vĩnh Linh lo tang ma thì họ thấy được an ủi rồi. Mình cứ sống như vậy và họ cứ sống như vậy đi, ai nói tụi mình sướng hết còn họ khổ hết đâu.

Gia đình tôi lại lên xe về Phan Thiết. Hết huyện Vĩnh Linh, qua cầu Hiền Lương, đến thị xã Đông Hà… Những cái tên quen thuộc qua lời mẹ cha hiện ra qua những biển báo rồi khuất dần.

Nếu ngày ấy ba tôi không thoát ly, không đưa cả nhà ra khỏi đất Quảng Trị thì hôm nay biết gia đình tôi còn lại mấy người và chắc chúng tôi cũng lam lũ như chú thím tôi, con cái cũng khó khăn như các cháu tôi.

Nhưng mấy ngày về quê tôi mới thấy hai chữ Vĩnh Linh gắn bó với mình đến nhường nào. Nơi tôi được sinh ra đó, nơi có những người đàn bà như thím dâu của tôi - cho đến khi qua đời không hề làm ai bẽ mặt hay buồn phiền.

ĐẶNG THỊ KIM OANH

Tin cùng chuyên mục