Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân

Sáng 22-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã bước vào phần tuyên án.

Thay mặt HĐXX, Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân đã đọc bản tuyên án đối 22 bị cáo trong vụ án này.

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) bị tuyên phạt 13 năm tù về hành vi "Cố ý làm trái" và cấm đảm nhiệm các chức vụ 5 năm sau khi kết thúc hình phạt tù.

Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân ảnh 1 Chủ tòa phiên tòa đọc bản tuyên án đối với 22 bị cáo trong vụ án tại PVN và PVC

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) bị phạt 14 tù về tội "Cố ý làm trái" và chung thân về tội "Tham ô tài sản", tổng hình phạt là tù chung thân.

Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) 7 năm tù về tội "Cố ý trái", 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hình phạt là 22 năm tù.

Các bị cáo khác cùng bị xử phạt về tội "Cố ý làm trái" như bị cáo Đinh La Thăng có:

- Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) bị  phạt 9 năm tù, cấm đảm nhiệm sau 5 năm sau khi chấp hành phạt tù

- Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 9 năm tù

- Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 9 năm tù

- Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN) 7 năm tù

- Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) 4 năm 6 tháng tù

 - Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN) 3 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.

-  Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN) 30 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách trong 5 năm.

- Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) 6 năm tù

-  Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 6 năm tù

-  Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) 4 năm 6 tháng tù

- Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 17 tháng tù, cấm đảm nhiệm chức vụ sau 3 năm.

6 bị cáo cùng bị phạt về tội "Tham ô tài sản" giống với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, gồm:

- Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 16 năm tù

- Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) 10 năm tù

- Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 10 năm tù

- Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng) 8 năm tù

-  Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa) 3 năm tù cho hưởng án treo.

- Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù cho hưởng án treo.

- Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế - kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù cho hưởng án treo.

-  Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) 3 năm tù cho hưởng án treo.

Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân ảnh 2 Các bị cáo trong vụ án tại PVN và PVC nghe tòa tuyên án

Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn phải chịu các hình phạt bổ sung, phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về kinh tế do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

Trong đó về dân sự, HĐXX xác định bị cáo Thăng và Thanh có trách nhiệm ngang nhau nên phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền liên đới số tiền 60 tỷ đồng.

Bị cáo Thực, Thuận, Khánh chịu trách nhiệm bồi thường số tiền liên đới 30 tỷ đồng.

Về tội tham ô các bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 11 tỷ, trong đó Thanh bồi thường số tiền 4 tỷ đồng, Nguyễn Anh Minh phải bồi thường hơn 3,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, một số bị cáo đã chủ động nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả.

HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ việc PVC được chỉ định thầu tại một số dự án khác như ethanol Phú Thọ đang gây ra thua lỗ, chậm tiến độ.

Trong bản tuyên án, Chủ tọa phiên tòa cũng khẳng định trong quá trình xét xử về cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, một số bị cáo không thừa nhận, nhưng đủ cơ sở để kết luận khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trong đó,  hành vi cố ý làm trái tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được nêu rõ qua việc PVN giao cho PVC tổng thầu dự án này trong khi PVC đang thua lỗ, làm mất cân đối. PVC khó khăn tài chính và không có kinh nghiệm làm tổng thầu nhưng ông Thăng vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu theo hình thức chỉ định thầu. Trong khi dự án chưa được phê duyệt hồ sơ kỹ thuật nhưng ông Thăng văn chỉ định ký hợp đồng EPC số 33 dẫn tới những vi phạm pháp luật đấu thầu.

Về tạm ứng tiền có nhiều vi phạm khi hợp đồng được ký có nhiều nội dung không đúng quy định pháp luật. Việc tạm ứng là trái với NĐ của CP về quy định đầu tư, chi phí quản lý công trình, cũng như trái với quy định của PVN.

Sau khi nhận được tiền tạm ứng từ PVN, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và một số bị cáo khác đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đưa vào trong hoạt động của dự án, như: trả nợ, góp vốn vào mốt số doanh nghiệp và dự án khác. Đây là hành vi làm trái quy định của Chính phủ về quy định khoản đầu tư.

HĐXX cũng khẳng định tổng số tiền thiệt hại do hành vi cố ý làm trái gây ra là hơn 119 tỷ đồng.

Hội đồng giám định thiệt hại đã tuân thủ các quy định pháp luật về giám định nên có cơ sở khẳng định số tiền thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn với các hành vi làm trái đã làm chậm tiến độ dự án hơn 18 tháng so với phê duyệt ban đầu, máy móc thiệt hại đắp chiếu, thiệt hại này là rất lớn chưa thể tính hết được. Do đó, HĐXX nhận định việc xác định thiệt hại như cáo trạng đã quy kết là có lợi cho các bị cáo.

Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh tù chung thân ảnh 3 Đông đảo phóng viên theo dõi phiên tuyên án 22 bị cáo trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC sáng 22-1-2018.

Đối với ông Đinh La Thăng, trong bản tuyên án nêu rõ, mặc dù HĐQT PVN đã phê duyệt phương án tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với liên danh nước ngoài nhưng ông Thăng vẫn chỉ định PVC là tổng thầu Nhiệt điện Thái Bình 2.

Quá trình điều tra và xét xử, ông Thăng thừa nhận do sức ép tiếp độ nên đã chỉ định PVC là tổng thầu khi chưa đủ các điều kiện cần thiết, đồng thời yêu cầu ký hợp đồng 33 sớm để khởi công dự án. Sau đó ông Thăng mới ký hợp đồng phê duyệt thiết kế dự án.

Đủ cơ sở khẳng định, ông Thăng biết rõ tháng 6-2010 mới đủ hồ sơ ký kết dự án Thái Bình 2 nhưng vấn tiễn hành chỉ đạo ký kết hợp đồng trước đó.

Bị cáo Thăng cũng thừa nhận có bút phê vào công văn xin tạm ứng của PVC và có chỉ đạo tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Quyết định chỉ định ký hợp đồng và chuyển tiền ngay là vội vã, không đúng pháp luật, trái với chỉ đạo của Chính phủ gây nghi ngờ cho nhân dân về chủ trương, tính minh bạch của dự án.

HĐXX cũng ghi nhận quá trình công tác, ông Thăng có nhiều cống hiến và thành tích, cũng như chưa từng vi phạm pháp luật nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX cũng khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của ông Thăng là rất nghiêm trọng nên pháp luật cũng phải công bằng, minh bạch.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh mặc dù biết rõ PVC không đủ năng lực làm tổng thầu nhưng vẫn chỉ đạo ký HĐ số 33, tùy tiện sử dụng nguồn tiền tạm ứng.

Ý kiến của các luật sư cho rằng vài trò của Thanh trong việc chỉ đạo là không có cơ sở. Bị cáo Thanh cũng biết tình hình tài chính của PVC rất khó khăn nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng số 33 và đề nghị PVN tạm ứng tiền.

Đủ cơ sở khẳng định Thanh biết PVC không đủ cơ sở làm tổng thầu nhưng vẫn chỉ đạo ký 33 và sử dụng tiền sai mục đích, đây là tội cố ý làm trái pháp luật. Cũng như đủ căn cứ xác định bị cáo Thanh chỉ đạo Thuận, Hòa… lập khống hồ sơ để chiếm đoạt tài sản. Trong đó, bị cáo Thanh chiếm đoạt được 4 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội tham ô tài sản

Đánh giá mức độ tính chất nguy hiểm của vụ án, Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh, vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC là vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được xã hội đặc biệt quan tâm.

Các bị cáo từng giữ các chức vụ quan trọng nhưng vì các động cơ khác nhau, đứng đầu là ông Thăng đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm, gây hệ luy nghiêm trọng.

Hậu quả vụ án rất nghiêm trọng và chưa thể nói hết được tính chất nghiêm trọng của vụ án. Không những ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này mà còn kéo theo nhiều lãnh đạo, nhà khoa học ở PVN cùng phải chịu trách nhiệm, làm nhiều người bị tha hóa, biến chất. Không những vậy, những sai phạm của các bị cáo còn làm dự án kéo dài, nguồn vốn đầu tư bị đội lên.

Đây cũng là những sai phạm điểm hình của PVN trong thời gian ông Thăng lãnh đạo. Đây cũng là tiền đề cho tham nhũng, thất thoát lãng phí.

Tin cùng chuyên mục