Sau sự việc thí sinh của cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s Got Talent 2014 bị bỏng nhẹ do uống nhầm cốc có chứa acid phải đưa đi cấp cứu trong đêm bán kết thứ 4 được truyền hình trực tiếp tối 11-1 trên sóng VTV3, đã có nhiều luồng dư luận về vấn đề này. Ngày 14-1, bên lề cuộc họp báo ra mắt chương trình VTV đặc biệt, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan tới gameshow trên truyền hình.
* PHÓNG VIÊN: Những ngày cuối tuần, nhất là những giờ đẹp, có đông người theo dõi luôn là thời điểm phát sóng của các gameshow. Với sự xuất hiện với tần suất lớn và tràn ngập như vậy có ý kiến nghi ngờ rằng phải chăng sóng truyền hình đang bị bán?
* Ông NGUYỄN HÀ NAM: Không có chuyện bán sóng. Bản chất là liên kết sản xuất. Có những chương trình VTV làm, có những chương trình VTV liên kết đặt hàng với đối tác bên ngoài, nhưng có một nguyên tắc là tất cả các chương trình đó, VTV đều chịu trách nhiệm hết. Bất kể điều gì, từ sơ suất này đến việc kia, VTV đều chịu trách nhiệm cả, nếu nói là bán sóng thì không đúng.
* Liệu có hiện tượng gây “chiêu trò” để tăng rating của các chương trình gameshow trên truyền hình không, thưa ông?
* Nói đúng ra, VTV không chủ trương làm chiêu trò, không chủ trương tạo một điều gì đó để quảng cáo, gây sốc, luôn luôn có giải pháp để ngăn chặn những biểu hiện đó xảy ra hoặc khi xảy ra sự cố đều phải xử lý. Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có văn bản giải trình với Bộ TT-TT ngay sau khi sự việc xảy ra và Bộ TT-TT cũng yêu cầu rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã tiến hành rút kinh nghiệm trong nội bộ.
* VTV có kiểm duyệt chương trình trước khi phát sóng không?
* Về nguyên tắc, VTV chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung chương trình, cho phát gì, phát cái nào, VTV chịu trách nhiệm chứ không phải đối tác. Còn quy trình chịu trách nhiệm nội dung với những chương trình liên kết sản xuất cũng rất rõ ràng, đó là từ khâu sản xuất đều có người của đài, cho đến khi có thành phẩm. Tất nhiên, trong quá trình đó, có những khi xảy ra sự cố như tai nạn nghề nghiệp, không có trường hợp nào buông lỏng, bất khả kháng mình để có sự cố.
* Nói rằng chương trình có kiểm duyệt, vậy tại sao lại liên tục gặp sự cố?
* Các sự cố không phải thường xuyên, nó nằm ngoài tầm kiểm soát. Như mọi người đều biết, vụ uống nhầm acid này, trong những ngày tổng duyệt, không có vấn đề gì, như người nghệ sĩ biểu diễn ở rạp xiếc, người ta đu quay 100 lần không sao nhưng có 1 lần bị trượt tay; còn ảo thuật, trên thực tế, thế giới cũng có trường hợp như vậy, mình đã phòng ngừa hết rồi nhưng vẫn không kiểm soát hết được. Cái quan trọng nhất là tìm ra giải pháp ngăn chặn điều đó để không tái diễn và quan trọng là đảm bảo yếu tố an toàn cho chương trình, an toàn cho người chơi. Qua đợt vừa rồi, chúng tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các đơn vị.
* Có sự cố tình, lừa khán giả qua vụ việc này không, thưa ông?
* Không bao giờ có sự cố tình nào cả, đây là tai nạn, VTV khẳng định như vậy.
* Có ý kiến cho rằng giờ đây có quá nhiều chương trình trò chơi trên truyền hình đang chạy theo ngôi sao, nhảm nhí, không có tính giáo dục cao. Ông nghĩ sao?
* Những thông tin đó tôi sẽ rà soát một cách cụ thể đối với từng chương trình, tuy nhiên nói chương trình là nhảm nhí thì chưa thật chính xác, khách quan. Các chương trình giải trí đem lại những giây phút thoải mái, tính giáo dục đương nhiên phải có nhưng cũng cần xem lại, cái gì giải trí cũng đòi tính giáo dục cao thì có lẽ cũng không phù hợp. Nếu chương trình hài, tất nhiên không được lố lăng, phản cảm, còn nếu như thật sự nhảm nhí thì chúng tôi đã bị thổi còi.
* Xin cảm ơn ông!
MAI AN (ghi)
| |
|