Ông Táo và năm của những lần đầu tiên

Ông Táo và năm của những lần đầu tiên

Theo dân gian, 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm là ngày tiễn ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tai nghe mắt thấy chốn trần gian trong năm vừa qua. Năm nay, ngày ông Táo về trời với giới làm văn hóa nghệ thuật (VHNT) còn là dịp nhìn lại những vui buồn, nhưng đặc biệt năm nay vui nhiều hơn. Thử điểm lại một số niềm vui để xem khi gặp Ngọc Hoàng, ông Táo có gì để khoe về VHNT nước ta một năm qua.

Để Mai tính, bộ phim gây đình đám trong năm.

Để Mai tính, bộ phim gây đình đám trong năm.

Lần đầu tiên phim Việt Nam ra rạp nhiều nhất từ trước đến nay, đó có lẽ sẽ là điều đầu tiên ông Táo khoe với Ngọc Hoàng. Quả thật, điện ảnh trong nước có một năm ghi đậm dấu ấn của mình khi có số lượng phim được trình chiếu nhiều nhất. Không những thế, đây còn là một năm điện ảnh gạt bỏ một khái niệm thâm canh cố đế lâu nay rằng phim Việt chỉ là “sản phẩm theo mùa”. Nghĩa là phim Việt chỉ có thể chiếu được vào những dịp đặc biệt như lễ, hè và nhất là tết, thời điểm khán giả có nhiều thời gian rảnh, thích tìm một sản phẩm trong nước để thưởng thức. Chính vì thế, cái khái niệm “sản phẩm theo mùa” ở điện ảnh Việt còn hàm ý phim Việt chất lượng còn thấp, chỉ ăn khách khi khán giả dễ tính hơn. Thế nhưng, năm nay khái niệm đó đã tan vỡ hoàn toàn khi một loạt những bộ phim nội tung ra “trái mùa” nhưng vẫn ăn khách. Có thể kể đến những cái tên như “Giao lộ định mệnh”, “Để Mai tính”… hay nổi bật như “Cánh đồng bất tận” mà khán giả chật các rạp chiếu. Những thành công đó đã cho thấy điện ảnh Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Lần đầu tiên giới sân khấu có ngày riêng của mình, Ban Bí thư TƯ đã quyết định chọn ngày 12-8 Âm lịch hàng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Đây không chỉ là một ngày lễ ngành nghề mà còn gắn liền với nghi thức giỗ Tổ, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, khẳng định vai trò của nghệ sĩ đối với sự phát triển chung của dân tộc. Song song đó, năm qua sân khấu cũng ghi nhận một thay đổi khi thể loại hài giảm sút, thay vào đó sân khấu chính kịch lại có nhiều thành công lớn, nhiều vở chính kịch cháy vé hàng tháng trước giờ mở màn, điều mà nhiều năm gần đây chỉ là ước ao của người nghệ sĩ.

Năm ngoái, âm nhạc thế giới chứng kiến sự kiện Susan Boyle, từ một phụ nữ bình thường, thông qua chương trình tuyển chọn tài năng “Britain’s Got Talent” của Anh bỗng chốc trở thành một ngôi sao trong làng ca nhạc. Năm nay, Việt Nam cũng chứng kiến một sự kiện gần giống thế khi Uyên Linh, cô gái 22 tuổi vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao đã trở nên nổi tiếng sau cuộc thi “Vietnam Idol 2010”. Uyên Linh và Susan Boyle có ba điểm giống nhau là cả hai không xuất sắc về nhan sắc, không phải là ca sĩ chuyên nghiệp và cả hai đều thành danh chỉ sau một đêm! Sự kiện Uyên Linh dù có nhiều tranh cãi về nghệ thuật, nhưng sự cuồng nhiệt của đám đông, của người hâm mộ nhất là trong chương trình Gala “Cám ơn tình yêu” vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy khả năng tổ chức sự kiện của giới biểu diễn trong nước đã đạt được tầm mức chuyên nghiệp.

Văn học cũng không chịu lép vế các lĩnh vực khác trong việc tạo nên một năm của những lần đầu tiên. Năm nay, các nhà văn trẻ đã liên tục khẳng định vai trò tiên phong của mình. Sau thời kỳ chững lại do ảnh hưởng của các dòng văn học nước ngoài, các nhà văn trẻ đang cố tìm những hướng đi mới cho mình. Giảm bớt những tác phẩm mang tính xã hội với tuyến truyện nặng nề, nhiều suy tưởng, các tác phẩm của những nhà văn trẻ trong năm bám chắc những vấn đề thời sự theo nhiều nghĩa. Có thời sự kiểu theo trào lưu đọc của bạn đọc trẻ hiện nay như Phan Hồn Nhiên với các tác phẩm huyền ảo như “Chiếc vòng đồng đen”, có thời sự xã hội như “Sát thủ online” của Nguyễn Xuân Thủy. Đây cũng là năm thiếu nhi được quan tâm chăm sóc với hàng loạt tác phẩm văn học đặc sắc, từ truyện chữ với các tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều rất thành công là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Rồi loạt truyện tranh phóng tác theo các danh tác văn học như Chí Phèo, Tắt đèn, Giông tố… Tất cả tạo nên sự đa dạng của văn học nước nhà đầy tích cực thay cho sự đa dạng của các loại sách dịch như mọi năm.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục