Thành phố La Rochelle, miền Tây nước Pháp, là thành phố đầu tiên quyết định vào năm 2019 thiết lập một cơ chế kiểu này, dưới hình thức hợp tác xã. Paris cũng đi theo hình thức tương tự. Khoản đầu tư ban đầu vào hợp tác xã carbon trong năm 2021 dự kiến khoảng 3-4 triệu EUR (3,6 triệu USD-4,8 triệu USD).
Hợp tác xã có thể sử dụng số tiền bồi thường dựa trên mức phát thải từ những cá nhân, tổ chức, công ty để tài trợ các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như lắp đặt các tấm pin Mặt trời. Dự kiến, cơ chế “đền bù phát thải khí carbon” sẽ triển khai trong năm 2022.
Chính quyền thành phố Paris mong muốn hoàn thành cơ chế này trước khi diễn ra Đại hội Thể thao mùa hè (Olympic) và Đại hội Thể thao mùa hè dành cho người khuyết tật (Paralympic) năm 2024, một sự kiện mà nhiều doanh nghiệp quan tâm đến hệ thống bảo vệ môi trường. Để giành được quyền đăng cai thế vận hội, Paris đã hứa sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, một phần thông qua hệ thống đền bù khí thải.
Cùng với dự án mới này, Paris còn triển khai việc thành lập một hội đồng khoa học đặc biệt, dự kiến ra mắt trong những tháng tới. Hội đồng tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để đưa ra kế hoạch đảm bảo môi trường xanh của thành phố.