
Từng đường kim, mũi chỉ như đang đâm vào trái tim bạn đọc. Nguyễn Thu Phương đưa độc giả trẻ lần lượt đứng trước chân dung của thế hệ mình qua: Phiêu linh trắng, Phác thảo chân dung, Hội chứng cô đơn…

Với một giọng văn không đơn điệu, Nguyễn Thu Phương bắt đầu cuộc hành trình kiếm tìm những giá trị thật. Mà hình như thời đại bây giờ những người trẻ đang lạc trong chính mình.
Họ khát khao, mãnh liệt, họ cô đơn… Nhưng điểm nhấn của mỗi truyện ngắn là ở chỗ tác giả không để cho nhân vật của mình rơi xuống vực thẳm.
Hơn lúc nào hết, Thu Phương muốn để bạn đọc thấy rằng, cái bản ngã khát thiện trong trái tim tuổi trẻ luôn âm ỉ cháy trên từng trang văn.
“Cho tới hôm nay, tôi nửa tin nửa ngờ mình đã bào chế được thuốc chữa căn bệnh cô đơn… “Hãy sống ở thể chủ động, ở cách khách quan, ở thì hiện tại, ở ngôi thứ nhất, ở số ít.
Và hãy chọn động từ yêu thương…”. Tác giả đặt mũi kim đầu tiên cho bức tranh thêu của mình bằng sợi chỉ mang tên Hội chứng cô đơn.
Người đọc lặng đi với một chút suy tư. Phải chăng những người trẻ hôm nay không tìm thấy giá trị cuộc sống nên để tâm hồn rơi tự do xuống một khoảng không vô định.
Thu Phương rất khéo khi để bàn tay của mình lái đường kim hướng về vùng ánh sáng. Mà nơi ấy con người biết sống, cống hiến với nụ cười rạng rỡ.
Phiêu linh trắng tạo ra sức ám ảnh qua cách miêu tả hư-thực, thật- giả. Tác giả đã tạo ra một sự khác biệt qua những bức tranh thêu bằng tóc.
Màu đen tuyền dịu dàng nhưng lại ánh lên sức sống dữ dội, đối lập với nhân vật đã tạo ra nó là Phi Yến- một cô bé ốm yếu, luôn sợ tiếp xúc với con người.
Người chị đã tự nhận những tác phẩm của em gái chính là của mình. Để rồi tâm hồn họ lạc trong ma trận ấy. “Tôi đã cố tình từ chối không tiếp cận em- một lần, hai lần, ba lần- để ngu dại chạy đuổi theo lớp vỏ hào hoa của nhan sắc, ảo ảnh phù du của tài năng chân xác… Trước ngày trở về, tôi một mình đi thăm ngôi mộ mới. Nấm đất nhỏ nhoi trên một sườn đồi, lọt giữa bạt ngàn hoa xuyến chi. Nữ họa sĩ tài hoa bạc mệnh, sống đời phiêu linh- ngắn ngủi mong manh nhưng chứa đầy ẩn ức”.
Có tiếng vỗ cánh rất mỏng của loài chim Phi Yến dội vào. Đó là thứ âm thanh cuồng nộ làm vỡ tung mọi giả dối tầm thường, chỉ còn lại bức chân dung của tình yêu.
Để chúng ta nhận ra nhau không phải bằng mắt, mà bằng linh cảm từ sóng âm thanh cảm xúc xuất phát nơi trái tim chân thật.
Nguyễn Thu Phương đã phác họa chân dung của những người trẻ bằng một ánh nhìn sắc sảo. Tuy nhiên Phiêu linh trắng với phong cách “chat” phá cách chưa đúng chỗ đôi khi làm cho mạch văn đứt quãng.
Thế nhưng những cảm xúc mãnh liệt vẫn lôi cuốn người đọc đủ làm nên sự quyến luyến trong truyện của chị…
* NXB Thanh niên.
DUNG THÙY