Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Phải có ngành công nghiệp phụ trợ để giữ chân nhà đầu tư

(SGGP).- Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBA) cho biết, JBA vừa tiếp xúc với lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm tìm các giải pháp  đẩy mạnh  việc thu hút và “giữ chân” các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, nhất là sau khi tập đoàn điện tử nổi tiếng Sony tuyên bố sẽ ngừng sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Nobuhiko Murakami, Trưởng ban Công nghiệp phụ trợ của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, việc Sony quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam do họ thấy rằng từ nay cho đến năm 2012, song khó có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình đối với hàng nhập khẩu, trong khi đến năm 2010 các mặt hàng điện tử nhập khẩu sẽ không còn phải chịu thuế theo đúng cam kết của VN với WTO. Không chỉ Sony, nguy cơ “tạm biệt” Việt Nam còn tiềm ẩn đối với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác, nếu như các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không có tiến triển rõ rệt. Đây hoàn toàn không phải vấn đề mới, nhưng tình hình biến chuyển rất chậm, nhà đầu tư này bình luận.

Phân tích tình hình từ chính doanh nghiệp mình, ông Nobuhiko Murakami cho biết, hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam chưa cung cấp được hầu hết các linh kiện cho Toyota VN, trong khi đó ở Thái Lan hay Indonesia, tỷ lệ này đã là 80-90%. Nếu vào năm 2018 (năm VN mở cửa hoàn toàn thị trường ô tô) mà tỷ lệ này không nâng được lên đến khoảng 60-70% thì Toyota rất khó “trụ” lại ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, theo phản ánh từ JBA, từ đầu năm tới nay do tình hình kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nên các DN Nhật cũng không tránh khỏi những khó khăn trong kinh doanh tại Việt Nam. Theo ông Koichi Takano, Phó trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nhiều DN Nhật vẫn tỏ ý quan tâm tới việc đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký cũng tăng, nhưng số dự án lại có chiều hướng giảm. Ông cho rằng, đây là một trong những biểu hiện cho thấy tác động của tình hình lạm phát và một số khó khăn của nền kinh tế nước ta trong thời gian qua. “Các DN Nhật rất quan tâm tới các chính sách, chiến lược để có thể phát triển trong dài hạn chứ họ không quan tâm nhiều tới những khó khăn trong ngắn hạn. Nhưng công nghiệp phụ trợ là một trong những vấn đề then chốt trong dài hạn”, chuyên gia này bình luận.

Tại cuộc gặp gỡ này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hứa sẽ xúc tiến các hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo hướng xây dựng các “liên minh chiến lược” giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản. Người đứng đầu VCCI còn cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành định kỳ tổ chức cung cấp thông tin chính thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI để tạo ra môi trường thông tin nhiều chiều, minh bạch và kịp thời; đồng thời để các bộ ngành sớm tháo gỡ vướng mắc cho DN ngay từ khi mới phát sinh.

Bình An

Tin cùng chuyên mục