Bộ GD-ĐT đã công bố môn thi tốt nghiệp THPT 2012 gồm 6 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý và Hóa học. Trong đó, Địa lý là môn thi liên tục trong 4 năm gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các môn thi nặng về mảng xã hội trong khi phần lớn học sinh hiện nay lựa chọn khối tự nhiên, sẽ gây áp lực nặng cho các em.
- Ông Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM): Cố gắng nhiều mới có kết quả tốt
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, việc thi 2 môn Sử, Địa bắt buộc học sinh phải đầu tư nhiều công sức, thời gian và áp lực căng thẳng, nặng nề. Đối với môn Sử, nhà trường và học sinh đều đã có kế hoạch trước, không bị động. Còn môn Địa lý chỉ cần các em nắm được kiến thức cơ bản là có thể làm được. Tuy nhiên, việc thi cả 2 môn xã hội nên các em không tránh khỏi khó khăn trong việc ôn tập. Hơn nữa hiện nay do học sinh ngày càng có xu hướng chọn thi đại học khối A, vì vậy trong thời gian ôn thi tốt nghiệp, vẫn phải ôn tập cả môn Vật lý nữa. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho kỳ thi được tốt, đòi hỏi tổ bộ môn Sử, Địa cần phải có đề cương ôn thi tốt cho học sinh. Chú ý mỗi đối tượng học sinh phải có một mức độ yêu cầu riêng.
Đối với học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, trước hết các em cần bình tĩnh, không hoang mang trước việc thi tốt nghiệp cả môn Lịch sử và Địa lý. Học sinh cần lập kế hoạch thời gian ôn tập cụ thể cho từng bài dưới sự tư vấn của giáo viên bộ môn Sử, Địa. Các em cũng cần bố trí thời gian hợp lý cho từng môn dưới sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm. Sau khi đã có kế hoạch thời gian, các em cần kiên quyết thực hiện bằng được kế hoạch này. Bài của ngày nào, ngày đó phải hoàn thành, không để lại hôm sau. Cũng cần phải biết rõ mức độ kiến thức của từng bài là bao nhiêu. Một học sinh trung bình hoặc yếu thì không thể học hết 100% bài học được. Cần chống một khuynh hướng sai lầm là học tủ. Học tủ sẽ dẫn đến nguy cơ không làm được câu nào cả.
Với các học sinh khá giỏi, việc học thi cả 2 môn Sử, Địa cũng không vất vả lắm. Tuy nhiên, các em chú ý không được chủ quan khinh thường và phải cố gắng nhiều mới có thể đạt được xếp loại tốt nghiệp khá giỏi trong kỳ thi này.
- TS Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM): Quan tâm đến tâm lý của học sinh
Việc thi tốt nghiệp có nhiều môn thi xã hội cũng là điều bình thường bởi có năm thi thiên về môn tự nhiên. Mỗi phương án chọn môn thi đều có những thuận lợi riêng cho các em chọn khối thi, như năm nay học sinh thi khối C gặp thuận lợi hơn nhưng có năm học sinh thi các khối khác lại thuận lợi hơn, nên việc quyết định các môn thi tốt nghiệp không có gì quá bất ngờ và lo lắng nếu học sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Do đó, điều quan trọng bây giờ là học sinh phải biết cách học để nhớ và cố gắng. Nhà trường cũng sẽ phân bố thời gian hợp lý và cách học để các em có thể vừa học vừa ôn thi tốt trong thời gian này. Xu hướng hiện nay của trường là nâng cao kỹ năng suy luận, học bài để nhớ và làm bài. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu năm học để các em học sinh không quá ngỡ ngàng khi phải thi các môn này.
- Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Không được tăng tiết ồ ạt
Hiện nay, nhiều học sinh có tâm lý lười học môn xã hội nên lo lắng, nhưng thực tế nếu các em biết cách học đều các môn thì đậu tốt nghiệp không khó. Học sinh không nên quá “trọng” môn này, “khinh” môn kia, vì hậu quả của một số năm vừa qua thể hiện rõ ở kết quả điểm thi môn Lịch sử rất thấp. Chính vì vậy, bên cạnh ý thức học tập của học sinh, giáo viên cần hướng dẫn cho các em cách học tập khoa học, biết hệ thống kiến thức không học tủ, học vẹt. Tuy nhiên, Sở cũng chỉ đạo các trường không được tăng tiết ồ ạt đối với các môn thi tốt nghiệp, chỉ tăng tiết vừa phải, phù hợp, tránh gây áp lực về thời gian học cho các em. Đối với học sinh yếu, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo, kèm cặp giúp đỡ các em.
- PGS-TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Môn Địa không khó kiếm điểm
Về nguyên tắc, 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT, 3 môn còn lại tùy theo từng năm. Theo Bộ GD-ĐT, các môn thi tốt nghiệp theo bốc thăm chứ không có quy định, nếu đúng là bốc thăm một cách ngẫu nhiên thì không thể bàn gì thêm.
Năm nay, với 6 môn thi tốt nghiệp dư luận cho là nặng về các môn xã hội, đặc biệt môn Địa “góp mặt” 4 năm liên tục. Theo tâm lý chung, ai cũng biết môn Sử năm nay chắc chắn có vì mấy năm rồi không có, và ai cũng nghĩ có Sử thì sẽ không có Địa. Vì vậy, theo tôi nếu Bộ quy định môn thi thì việc có cả 2 môn Sử - Địa là khó hiểu; nhưng vì đây là bốc thăm ngẫu nhiên nên phải chấp nhận. Việc bốc thăm môn thi tốt nghiệp khiến các trường phải dạy và học nghiêm túc tất cả các môn, đó cũng là điều tốt.
Các em học sinh cũng không nên lo lắng quá. Môn Sử khó nhưng vì hầu hết thầy cô, học sinh đã chuẩn bị tâm lý từ đầu năm là năm nay có Sử, vì thế việc dạy và học đã được tăng cường. Còn môn Địa không khó kiếm điểm, chỉ cần mang theo cuốn Atlat đã có thể vận dụng để kiếm được 5 điểm. Bởi vậy, lo lắng cho rằng thi nhiều môn xã hội sẽ làm giảm kết quả tốt nghiệp là không có cơ sở.
- Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Trang bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý
Trong việc tổ chức dạy học, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ: Các trường phải dạy học đầy đủ tất cả các môn trong chương trình giáo dục cấp THPT nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Trong việc tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ luôn chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn giáo viên dạy học theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Riêng với các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập đầy đủ, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, học sinh cần chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng và tâm lý. Ngoài việc nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và biết vận dụng những kiến thức đó khi làm bài thi, các em học sinh cần chuẩn bị một số kỹ năng quan trọng: biết tổng hợp kiến thức của các phần, các chương và của toàn bộ chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12; biết tự tổ chức thảo luận theo nhóm, trao đổi, tranh luận để hiểu sâu hơn về kiến thức, tự trau dồi kiến thức một cách chủ động; có các kỹ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi…
Lê Linh - Lâm Nguyên